Nghệ An: Xây dựng chính quyền điện tử bằng cổng thông tin "rùa bò"
- 07:02 14-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người dân, du khách và doanh nghiệp nhọc nhằn truy cập cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An. (Ảnh chụp màn hình cổng TTĐT tỉnh Nghệ An) |
Nhọc nhằn truy cập cổng thông tin điện tử tỉnh
Trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.
Điển hình cho các giải pháp đó có thể nhắc đến là Kế hoạch số 744/KH-UBND “Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025” mà địa phương này ban hành vào ngày 15/12/2020.
15 ngày sau đó, tức ngày 31/12/2020, tỉnh Nghệ An cụ thể hóa Kế hoạch “Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Nghệ An năm 2021” bằng kế hoạch số 776/KH-UBND.
Chưa hết, tiếp nối những kết quả đã đạt được từ Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2014 - 2020, cuối năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An và Tập đoàn Bưu Chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về Viễn thông và Công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2025.
Mục tiêu của thỏa thuận này là phấn đấu đến năm 2025, Nghệ An thành tỉnh khá khu vực phía Bắc.
Để đạt được mục tiêu đó, Nghệ An sẽ đầu tư từng bước xây dựng hoàn chỉnh chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số dưới sự trợ giúp của Tập đoàn VNPT.
Rõ ràng, chủ trương, đường lối đầu tư của tỉnh Nghệ An là hoàn đúng đắn với định hướng và chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, kết quả đầu tư bao năm qua và thời gian gần đây như thế nào thì cần phải có một đánh giá đầy đủ, chính xác và khách quan hơn.
Nói như vậy là bởi, cứ hô hào xây dựng chính quyền điện tử nhưng tốc độ truy cập cổng thông tin điện tử của tỉnh này là một câu hỏi lớn.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An có tên miền là http://www.nghean.gov.vn/ - đây là kho thông tin toàn bộ từ tiềm năng, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật… của tỉnh Nghệ An đến cho người dân, du khách và doanh nghiệp.
Nói nôm na, đây là kho tàng, là “bách khoa toàn tư” chính thống về tỉnh Nghệ An mà người dân, du khách, doanh nghiệp được tiếp cận nhanh nhất, chính xác nhất. Thế nhưng, việc truy cập cổng thông tin điện tử này lại gặp rất nhiều khó khăn, bởi tốc độ truy cập rất chậm.
Tìm hiểu thêm được biết, cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An còn liên kết với cổng thông tin các sở, ngành và các địa phương. Nên đã kéo theo việc truy cập cổng thông tin của các sở, ngành và các địa phương cũng rất khó khăn.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang sử dụng hệ thống cổng thông tin điện tử đã hết tiền bản quyền. (Ảnh chụp màn hình cổng TTĐT tỉnh Nghệ An) |
Dùng hệ thống không bản quyền
Thừa nhận thực trạng nói trên, ông Lê Văn Tân - Giám đốc Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An cho biết: Đơn vị cũng đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân và phóng viên về tốc độ truy cập của cổng thông tin điện tử chậm. Thực trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến tỉnh, nhất là khi hệ thống này còn liên kết với cổng thông tin của các sở, ban, ngành và các địa phương.
Theo ông Tân: Những năm gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh rất quan tâm việc nâng cấp cổng thông tin điện tử nhưng có nhiều khó khăn, vướng mắc. Khó khăn ban đầu là kinh phí trả tiền bản quyền, sau đó thì vướng phải chính sách của thời điểm giao thoa.
Cụ thể, hệ thống phần mềm của cổng thông tin được xây dựng từ hơn 10 năm trước. Thời điểm đó, đây là hệ thống hiện đại, tốt nhất, cùng một lúc có thể triển khai nhiều ứng dụng khác nhau.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là chi phí bản quyền cũng là rất lớn, lên đến 1 – 2 tỷ/ năm. Từ nhiều năm nay, do không đủ kinh phí để chi trả bản quyền nâng cấp hệ thống nên các kỹ sư của cổng đã sử dụng các giải pháp của mình và sự hỗ trợ của các chuyên gia để duy trì hoạt động.
Cũng theo người đứng đầu cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An: Thời điểm còn trực thuộc Sở TT&TT thì không đưa việc đầu tư hệ thống cổng thông tin vào đầu tư trung hạn, nên vướng vào đầu tư công. Năm 2018 chuyển sang Văn phòng UBND tỉnh quản lý, thì cuối năm tỉnh cho chủ trương đầu tư, nâng cấp.
Sang năm 2019, tỉnh đã ban hành quyết định phê quyệt dự án nâng cấp và bố trí kinh phí. Khi đang triển khai thì năm 2020, Chính phủ có quy định mới, thay vì mua sắm, có thể chuyển sang thuê dịch vụ CNTT. Dự án cũng phải tạm dừng lại do các quy định, quy chuẩn và hướng dẫn đang trong thời gian hoàn thiện.
“Hiện dự án thuê dịch vụ CNTT đã được trình lên Giám đốc Sở TT&TT thẩm định kỹ thuật. Sau đó sẽ được trình sang Sở Tài chính thẩm định giá trước khi đưa ra đấu thầu. Theo quy định, dự án còn phải cho chạy thử một thời gian để đánh giá trước khi kí hợp đồng thuê, vì vậy nhanh nhất cũng phải Quý IV 2021 mới xong”, ông Tân nói.
Tác giả: Sỹ Hòa - Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Giao thông