Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nơi nguy hiểm nhất trong nhà tránh dùng điện thoại, kẻo có ngày đổ bệnh mà không biết

Sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh có thể biến nó thành một ổ chứa vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của bạn.

Điện thoại di động giờ đây là vật bất ly thân với hầu hết mọi người. Trong đời sống sinh hoạt của con người từ ăn, ngủ thậm chí đi vệ sinh, đi tắm cũng không thể xa rời chiếc điện thoại.

Không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời mà điện thoại mang lại nhưng việc dành quá nhiều thời gian cho nó, không phải là việc tốt, đặc biệt ngay cả khi đi vào nhà vệ sinh. Trên thực tế, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2016 cho thấy 41% người Australia sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh, trong khi một nghiên cứu khác lại cho thấy con số gần 75% ở người Mỹ.

Theo các chuyên gia, thói quen mang điện thoại mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đi vệ sinh đang khiến bạn gặp nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn.

Điện thoại di động bẩn gấp 10 lần bồn cầu

 Điện thoại của chúng ta mang lượng vi khuẩn nhiều gấp mười lần so với bồn cầu. (Ảnh minh họa)

Điện thoại của bạn có thể là một ổ chứa vi khuẩn mà bạn không hề hay biết. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona phát hiện ra rằng điện thoại của chúng ta mang lượng vi khuẩn nhiều gấp mười lần so với bồn cầu.

Nhà vi sinh vật học Jason Tetro cho biết: “Bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm loại vi khuẩn trên điện thoại, cũng như nấm. Hầu hết chúng vô hại, nhưng vẫn còn nhiều mầm bệnh tiềm ẩn có thể gây bệnh cho bạn." Theo trang tin y tế WedMD, những vi khuẩn này bao gồm salmonella, E.coli, shigella và campylobacter, tất cả đều có thể khiến bạn bị ốm nặng. 

Và nếu bạn thường xuyên mang điện thoại vào nhà vệ sinh thì những khu vực như bồn cầu, bồn rửa, vòi nước,... đều ẩn chứa hàng tá vi khuẩn và nguy cơ chúng lây truyền sang điện thoại của bạn càng cao.

Ngay cả khi bạn đặt điện thoại ra xa trước khi lấy giấy vệ sinh và không chạm vào điện thoại trước khi rửa tay thì nguy cơ vi khuẩn lây nhiễm sang vẫn tồn tại. Bởi thực tế, khi bạn xả nước bồn cầu, vi trùng sẽ phun ra khắp nơi, kể cả trên điện thoại. Hơn nữa, bạn có thể rửa tay sau khi đi vệ sinh và thậm chí bồn cầu cũng thường xuyên được dọn dẹp nhưng chiếc điện thoại thì không được như vậy.

 Vi khuẩn sẽ phát tán ra xa lên cả chiếc điện thoại khi bạn xả nước. (Ảnh minh họa)

Một điều quan trọng nữa là vi khuẩn có thể tồn tại ở toàn bộ bề mặt điện thoại, không chỉ ở phần vỏ ốp phía sau mà ở cả màn hình hay nút bấm. Và một người bình thường chạm vào điện thoại của mình ít nhất 2.600 lần mỗi ngày - có nghĩa là cơ hội lây nhiễm sẽ cao hơn.

"Tất nhiên, ngay cả khi điện thoại của bạn là vật trung gian truyền bệnh, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật vẫn không quá cao, vì bạn cần phải ăn chúng mới có thể thực sự bị nhiễm bệnh. Ví dụ, trong trường hợp của vi khuẩn E. coli, một người khỏe mạnh nếu vô tình nhiễm phải cũng chỉ buồn nôn, đau bụng", Jamin Brahmbhatt - bác sĩ tiết niệu tại Orlando Health ở Florida cho biết.

Tuy nhiên, những người già, trẻ nhỏ, hoặc người bị suy giảm miễn dịch do bệnh tiểu đường, hóa trị hoặc mắc một bệnh nghiêm trọng khác có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Bác sĩ Brahmbhatt cảnh báo: “Nếu bạn thuộc nhóm này, tốt nhất nên đảm bảo vệ sinh đúng cách".

Làm thế nào để điện thoại không thành ổ vi khuẩn?

 Không sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh và lau điện thoại thường xuyên là cách tốt nhất để không biến nó thành ổ vi khuẩn. (Ảnh minh họa)

Để hạn chế vi khuẩn từ nhà vệ sinh di chuyển sang chiếc điện thoại, cách tốt nhất là không dùng điện thoại khi đang đi vệ sinh, rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi chạm vào các bề mặt có thể có mầm bệnh khác và thường xuyên vệ sinh điện thoại.

Bác sĩ Brahmbhatt gợi ý: “Cách tốt nhất là bạn nên sử dụng chất khử trùng có cồn, nhưng điện thoại thông minh là món đồ đắt tiền nên chắc hẳn bạn không muốn xịt chúng bằng chất sát trùng. Do đó, tốt nhất là không đem chúng vào nhà vệ sinh hay nhà tắm".

Hoặc bạn có thể lau điện thoại bằng một miếng vải sạch hàng ngày và cân nhắc sử dụng chất tẩy rửa đặc biệt dành cho điện thoại di động và màn hình của chúng. 

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về kiểm soát nhiễm trùng của Mỹ - American Journal of Infection Control, lau các bề mặt bằng nhựa cần phải làm 3 lần mới giảm được 88% số lượng vi khuẩn, còn nếu chỉ lau 1 lần thì vẫn còn hầu hết vi khuẩn.

 

Nguồn tin: thoidaiplus.giadinh.net.vn