Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mẹ của bé được bà Phương Hằng bay sang Singapore cứu trợ tiền mổ não: Cứ nhìn đôi mắt, miệng cười của con, em lại hồi tưởng đến đêm định mệnh ấy

3 năm trước, chị Hương một mình đưa Bảo Ngọc sang xứ lạ chạy chữa với tâm thế của người mộng du. Giờ thì, chị đang ôm viên ngọc quý giá của riêng mình, nhờ vào chuyến bay đêm và 36.000 đô Singapore cứu trợ của ông bà chủ Đại Nam.

23/10/2018 là ngày mà chị Trương Thị Hương (Cửa Lò, Nghệ An) sẽ mãi mãi không quên. Đó là ngày con gái út của chị, bé Nguyễn Thị Bảo Ngọc chiến thắng bệnh não úng thủy, được xuất viện ở Singapore và trở về Việt Nam. Đó là ngày mà hành trình chiến đấu để giằng con từ tay tử thần của chị tạm khép lại sau 3 cuộc đại phẫu. Tin lành ấy được tạo nên bởi trái tim của nhiều người, và nổi tiếng nhất là vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng - Nguyễn Phương Hằng.

 

 

 Nhìn con nhỏ chống chọi với bệnh tật mà người mẹ không khỏi quặn lòng.

“Nhìn người con bé bỏng, cái đầu thì sưng phù, cảm giác lõng bõng nước, chi chít sẹo qua 2 lần phẫu thuật, rồi lại cắm kim điện châm, tim em như tan nát. Đau lòng nhất là mổ xong, con chỉ khá lên một ít thôi. Em được gợi ý tìm đường sang Singapore mổ cho con thêm lần nữa.

Lúc đó em đã mắc nợ nhiều rồi, nhưng vẫn quyết định thế chấp toàn bộ nhà đất, vay thêm khắp nơi nữa được 500 triệu. Lúc đó, em rất áp lực, vì ở nhà còn 2 đứa con lớn nữa. Rủi mà sang đó phẫu thuật xong không được, nhà cũng mất, chồng con biết lấy chỗ nào chui ra chui vào.

Nhiều người đã khuyên em thôi bỏ đi, để bé Thỏ ở nhà, bao giờ ơn trên đón đi thì mẹ con tạm biệt nhau. Nhưng trái tim người mẹ đâu cho phép em làm vậy. Còn cơ hội cứu con mà không cứu thì là em là người mẹ như thế nào… Giọt máu của mình, có tròn hay méo thì cũng phải yêu thương, chiến đấu vì con”, chị Hương nói trong nước mắt.

 

Hai mẹ con, cùng với 500 triệu dằn túi, lại sang Singapore, ăn ở nhờ tại một gia đình người Việt. Đó là lần đầu chị Hương xuất ngoại, tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, đường xá mù mịt, tất cả trông chờ sự giúp đỡ của những người xa lạ.

Bác sĩ khám, xét nghiệm cho Thỏ xong thì kết luận trong não con vẫn còn khối u, nhưng đó là u lành. Thỏ có thể phẫu thuật được 1 lần nữa, nhưng cơ hội sống sót chỉ là 50:50. Ngay cả khi ca mổ thành công, sau này bé có phát triển bình thường hay không, chẳng ai dám hứa.

Chi phí cho riêng ca mổ là 36.000 đô Singapore. Chị Hương nghe người phiên dịch thuật lại, tai ù đi, chỉ còn tiếng nói trong đầu thúc giục: Thỏ sắp được cứu rồi. Chị biết chắc chắn mình không đem đủ tiền để làm phẫu thuật. Chỉ còn cách tiếp tục kêu gọi lòng từ ái của những người dưng.

 

Bằng một cách kỳ diệu nào đó, thông tin về mẹ con Thỏ lọt vào tai vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng. Những người hỗ trợ từ thiện cho chị không quen biết gì với vợ chồng doanh nhân Bình Dương. Người mẹ miền biển lại càng mù mịt thông tin về người sắp trở thành ân nhân đời mình. Ngay trong đêm, ông bà chủ Đại Nam đã bay sang Singapore xác thực thông tin, gặp gỡ hai mẹ con Thỏ và quyết định tài trợ luôn.

Hôm sau, Thỏ vào phẫu thuật, chỉ có mẹ và những người hỗ trợ phiên dịch ở cạnh. Lúc ấy, chị nghĩ, 50% cơ hội sống đã là quá nhiều. Thỏ vừa phải cắt u não vừa đặt ống dẫn gì đó, chị không hiểu lắm. Chỉ nhớ, 7 tiếng đồng hồ ngồi chờ ngoài phòng mổ, người chị lả đi như không còn nhận thức gì. Người ta thường nói quá tam ba bận, và đó là lần thứ ba, não Thỏ được chữa trong bàn tay các bác sĩ.

“Khi em đưa con vào mổ, con vào cửa chính, lúc ra, bác sĩ đẩy ra cửa ngách. Bác sĩ gọi tên mà hai chân em muốn sụm xuống, chỉ sợ con đã bỏ em mà đi. Em khóc ầm lên, nhưng chị phiên dịch giúp bảo là con ổn rồi, giờ đi theo bác sĩ để đưa con về hồi sức. Em bước theo mà tai ù đi, đầu óc bùng nhùng, chân như bước trên mây. Đến khi con tỉnh dậy, khóc ré lên, em mới hoàn hồn biết rằng con còn sống.

 

Anh Dũng chị Hằng đã cho con em toàn bộ 36.000 đô Singapore. 1 đô ấy giá bao nhiêu tiền, đến giờ em vẫn không biết. Em chỉ nghe loáng thoáng đâu đó khoảng 600 - 700 triệu và anh chị chi trả thẳng cho bệnh viện. Với em, số tiền ấy đáng giá cả cuộc đời. Cả đời em chưa chắc đã làm ra chừng ấy tiền.

Anh chị ấy đã trao tặng cho bé Thỏ và cả em một cuộc đời mới. Em đã nghĩ rằng, nhỡ con có mệnh hệ gì, em sẽ “đi” theo con. Sao em có thể về nhà, nhìn vào mặt chồng và hai đứa con lớn, khi vì sự ngang bướng của em mà chúng mất cả em gái lẫn ngôi nhà…”.

 

Sau 3 năm, bé Thỏ đã sống với một cuộc đời mới, khỏe mạnh và xinh đẹp. Chị Hương bảo, con phát triển “vượt quá mọi sự mong đợi” của mẹ. Hồi đó, khối u của Thỏ chèn vào các dây thần kinh quan trọng trong não. Mổ xong rồi, chị Hương vẫn nín thở theo dõi từng giờ, từng ngày.

Chị vẫn ngại con có thể chậm hơn các bạn nên dồn tiền cho Thỏ đi học mẫu giáo trường tư. Thỏ giờ sắp 4 tuổi, con bé lanh lợi, biết nhiều thứ, múa dẻo, hát hò suốt ngày, lại vô cùng tình cảm. Chị “mách”, Thỏ thậm chí còn hơi đanh đá, biết được yêu chiều còn bắt nạt cả anh chị lớn.

 

Người trong làng trong xã, ai cũng biết chị Hương có đứa con út bệnh nặng phải cầm cố nhà đất cho con sang nước ngoài chữa trị. Mỗi lần chị đi chợ, mọi người cứ hỏi con bé đấy đâu rồi. Chị chỉ vào Thỏ, ai cũng ngạc nhiên, không tin nổi con bé lại có cuộc hồi sinh ngoạn mục như thế. Có người còn vạch tóc Thỏ ra, thấy sẹo chi chít mới chịu tin.

Chị Hương vẫn giữ liên lạc với những đầu cầu kết nối cho mình đến các mạnh thường quân, xin cho Thỏ nhận họ làm ba và mẹ đỡ đầu. Nhưng riêng vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, sau lần gặp gỡ ấy, chị chưa có cơ hội chính thức nói lời cảm ơn.

“Anh chị làm phước xong là đi về luôn, không cho em biết cách liên lạc. Mà em cũng không dám xin. Em ngại… Cũng có người hỏi em, sao không đến Đại Nam tìm gặp, sao không tìm cách mà cảm ơn anh chị ấy. Em làm gì có điều kiện để đi, mà cả ngày hai vợ chồng xoay với sạp cá, bán hàng để nuôi con và trả nợ.

 

Ân nghĩa ấy, em cả đời ghi nhớ, không biết làm cách nào mà đáp đền được. Cứ nhìn đôi mắt, miệng cười, nghe tiếng nói của con là em lại hồi tưởng đến đêm định mệnh ấy. Quên sao được người đã cứu con mình hả chị?” - chị Hương phân trần.

Bé Thỏ đã hồi sinh như thế, nhờ phép màu của trái tim những người mẹ. Mẹ Hương của em, người tìm mọi cách, kể cả việc đánh cược gia tài và sự ổn định của gia đình, đi xin lòng thiện khắp nơi để cứu em. Và mẹ Phương Hằng, với “kim cương” bên trong lồng ngực, chỉ vì rung cảm với nỗi lòng mẹ Thỏ, mà đi chuyến bay đêm sang cứu trợ em - một em bé hoàn toàn xa lạ.

Tác giả: Phuong Linh

Nguồn tin: Trí Thức Trẻ