Livestream độc hại hay văn minh?
- 14:05 04-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều lần livestream gây dư luận trên mạng xã hội trong thời gian qua |
Trong vài năm trở lại đây, livestream đang trở một trong những “kênh” truyền thông được người xem ưa thích nhất.
Thông qua chức năng này, người dùng có thể truyền tải trực tiếp video về cuộc sống, công việc cũng như hoạt động vui chơi của bản thân đến với người khác, chân thực và sống động.
Thế nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, livestream đang tiềm ẩn mang lại những thảm họa truyền thông sau những vụ truyền hình ảnh trực tiếp về bạo lực. Những vụ xả súng ở New Zealand, ở Mỹ và Úc đã mang lại những ám ảnh kinh hoàng cho người xem.
Ở Việt Nam gần đây nổi lên các hiện tượng livestream bóc phốt thu hút hàng triệu lượt người theo dõi.
Nhiều người cho rằng quyền công dân, quyền được nói được đảm bảo cao nhất khi người dùng sử dụng ứng dụng này. Không ai có thể can thiệp, dừng livestream bằng một mệnh lệnh hành chính nào.
Điều này chỉ đúng, nếu người livestream tuân thủ các quy định pháp luật. Mà cụ thể là các luật lệ ở nước mà người đó đang tiến hành livestream. Ví dụ, tố cáo trực tiếp trên livestream được phép nếu đó là sự thật, và tố cáo không vi phạm các nội quy, điều lệ của các tổ chức, cơ quan mà anh đang tham gia.
Không có chuyện vì sử dụng một nền tảng tự do phát ngôn, không bị kiểm duyệt mà anh có quyền vu khống, thóa mạ, sỉ nhục người khác.
Tùy vào mức độ hành vi và hậu quả hành vi, người vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, nhẹ nhất là xử phạt hành chính. Nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị người liên quan kiện ra tòa.
Nhiều người hỏi đâu là giới hạn của việc livestream? Thật tiếc là facebook đã vô tình hoặc cố ý để việc livestream vượt khỏi tầm kiểm soát. Họ không phân biệt được đâu là các nội dung xấu bẩn để ngăn chặn kịp thời.
Và chính quyền nhiều nước đang bó tay khi không thể yêu cầu hay xử phạt các vi phạm của các công ty cung cấp ứng dụng như Facebook và Goolge.
Việc chúng ta cần làm trước mắt và xử lý vi phạm của người dùng ứng dụng này theo luật sở tại.
Tiếp theo là dùng công nghệ để nhận thông báo khẩn từ người xem về những livestream độc hại để yêu cầu nhà cung cấp chặn. Chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để có thể cấm hoặc xử phạt các nhà cung cấp liên tục vi phạm quy định của Việt Nam.
Chỉ có như vậy, mới đảm bảo một môi trường internet sạch cho người dùng và ngăn chặn các tác hại của nó tới nền tảng đạo đức của xã hội.
Tác giả: Nguyễn Phúc Trương
Nguồn tin: Báo Giao thông