Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bật điều hòa bao nhiêu độ nếu nhà có trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh?

Nếu đặt nhiệt quá thấp trong thời gian dài, trẻ nhỏ có thể gặp các triệu chứng sổ mũi, cảm lạnh, dị ứng, hen suyễn,... thậm chí dẫn tới sốc nhiệt.

 

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, với đặc điểm là hệ miễn dịch còn yếu, rất dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do sự thiếu cẩn trọng của cha mẹ trong ngày nắng nóng.

Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần người lớn "thấy mát" thì trẻ nhỏ cũng khỏe mạnh. Tuy nhiên, thực tế là với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, thì mức nhiệt cài đặt cho điều hòa trong phòng nên cao hơn so với bình thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đối với trẻ sơ sinh non tháng, cần đặt nhiệt độ từ 32 độ trở lên. Đối với trẻ sơ sinh đủ tháng có thể đặt nhiệt độ thấp hơn khoảng 30 độ. Với trẻ từ 2-3 tháng cho đến 1 tuổi, có thể đặt nhiệt độ phòng ở mức 28-29 độ. Còn trẻ 1 tuổi trở lên, có thể đặt 26-29 độ, tùy độ tuổi và điều kiện thời tiết.

Nếu đặt nhiệt quá thấp trong thời gian dài, trẻ nhỏ có thể gặp các triệu chứng sổ mũi, cảm lạnh, dị ứng, hen suyễn,... Ngoài ra, nếu đột ngột thay đổi nhiệt độ môi trường xung quanh, như đi từ phòng này sang phòng khác, có thể khiến trẻ đối mặt nguy cơ sốc nhiệt dễ hơn người lớn, vì hệ miễn dịch còn yếu.

Không để điều hòa thốc thẳng vào trẻ

Cục lạnh hoặc hướng gió của máy điều hòa nên được lắp lệch với giường ngủ, giúp tránh tình trạng luồng gió lạnh thổi trực tiếp vào người, gây ảnh hưởng không tốt tới người sử dụng nói chung và người già và trẻ nhỏ nói riêng.

Với cách lắp này, một số gia đình có thể sẽ cảm thấy không hợp lý, vì bật mãi không thấy mát, khi luồng gió không trực tiếp phát vào người. Tuy nhiên, đây lại là cách khoa học nhất để sử dụng điều hòa mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

Nếu chưa cảm thấy đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt điện, quạt trần trong phòng để phân tán luồng khí được tốt hơn.

Không dùng quạt phun sương, máy bù ẩm, đặt chậu nước,...

Rất nhiều hộ gia đình đến nay vẫn còn sử dụng máy phun sương, quạt hơi nước,... và các thiết bị tương tự để tạo độ ẩm trong không khí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia điều này là không nên, ngay cả khi kết hợp với điều hòa.

Lý do là bởi những hạt nước lắng đọng trong không khí sẽ vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh phát triển, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

Ngay cả thói quen đặt chậu nước trong phòng điều hòa để "đỡ khô da" cũng không phải là một ý tưởng tốt. Đó là bởi ngay cả khi điều hòa đã lọc bớt độ ẩm trong không khí, thì tỷ lệ này vẫn hoàn toàn lý tưởng với hệ miễn dịch của con người.

Còn nguyên nhân người Việt chúng ta cảm thấy "bị khô" khi ngồi trong phòng điều hòa, là bởi cơ thể đã quá quen với điều kiện độ ẩm lên tới 80% trong không khí.

Trong trường hợp muốn khắc phục tình trạng khô da khi sử dụng điều hòa, thay vì trực tiếp làm tăng độ ẩm, bạn có thể tạo ra sự trao đổi không khí như lắp quạt thông gió, hé một chút cửa để tạo luồng khí đối lưu... với môi trường ngoài để cảm thấy dễ chịu hơn.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí