Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói về lí do đề xuất cắt giảm chứng chỉ không phù hợp

Phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để vừa giảm gánh nặng cho công chức, viên chức vừa đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cho khoa học hơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói với phóng viên.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói rằng, Bộ Nội vụ không gặp khó khăn, rào cản nào khi đề xuất cắt giảm chứng chỉ vì đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu viên chức. Ảnh: T.L

Đề xuất của Bộ Nội vụ về việc bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm được đông đảo công chức, viên chức đồng tình, ủng hộ. Lý do đưa ra đề xuất này là gì, thưa Bộ trưởng?

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cần thiết phải đổi mới quản lý, sử dụng, đặc biệt là việc đổi mới nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, rà soát toàn bộ quy định về chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức. Qua tổng hợp, đánh giá chung của các bộ, ngành và ý kiến của dư luận xã hội, Bộ Nội vụ nhận thấy có một số hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, có sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ GD&ĐT quy định.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên theo hướng giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ và không tạo ra áp lực cho giáo viên. Việc rà soát, đề xuất giảm các chứng chỉ bồi dưỡng được thực hiện đối với tất cả các chuyên ngành. Khối viên chức được đề xuất giảm nhiều hơn vì yêu cầu tính chất hoạt động nghề nghiệp giữa các hạng chức danh nghề nghiệp trong cùng chuyên ngành là tương đồng. Cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

“Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong giáo dục, đào tạo là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”; cán bộ, công chức phải làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm đến nội dung này và yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, mạnh dạn đưa ra đề xuất”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Thực tế vừa qua, một số bộ, ngành đã tiến hành rà soát, đề xuất giảm các chứng chỉ chuyên ngành, như Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 18/2020, trong đó không quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bộ TT&TT đang lấy ý kiến sửa đổi quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên...

Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung và hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ theo hướng cắt giảm nhiều chứng chỉ. Từ yêu cầu thực tiễn, với mục tiêu chung là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, chúng tôi tin các đề xuất của Bộ Nội vụ đều được các bộ, ngành ủng hộ.

Nếu đề xuất được chấp thuận, các bước tiếp theo sẽ được triển khai, thực hiện ra sao?

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, các bộ quản lý ngạch công chức, viên chức chuyên ngành cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn và nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý để tránh trùng lắp, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm căn cứ pháp lý, thống nhất trong triển khai thực hiện chủ trương lớn này của Chính phủ.

Phải khẳng định, việc cắt giảm một số loại chứng chỉ không đồng nghĩa với việc giảm yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ mà đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức phải thực chất hơn, phục vụ trực tiếp công việc, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Việc này cũng không có nghĩa là không thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức nữa. Vì vậy, vấn đề ở đây là các đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của các bộ, ngành cần kịp thời đổi mới về phương thức tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.

Cảm ơn Bộ trưởng.

Tác giả: Thành Nam (ghi)

Nguồn tin: Báo Tiền Phong