Hiểm họa rình rập từ phơi rơm rạ, nông sản trên đường giao thông
- 21:11 02-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vụ cháy xe trên đường Hồ Chí Minh năm 2020 khiến tài xế bị bỏng đến 95%. (Ảnh TL) |
Xe cháy, người bỏng nặng vì nghi gầm ô tô cuốn phải rơm rạ
Mùa hè đến, cũng là lúc người nông dân bước vào kỳ thu hoạch mùa vụ. Phần vì nhà không có chỗ phơi, phần vì nghĩ rằng đường bê tông, nhựa nên phơi rơm, rạ, dây lạc (thân cây lạc, miền Nam gọi là cây đậu phộng), thóc lúa... sẽ nhanh khô.
Vì vậy, nhiều nông dân thu hoạch xong nông sản tại ruộng thì phơi luôn trên con đường cạnh đó bất kể là quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ hay đường giao thông nông thôn. Thực trạng này không những gây mất ATGT mà còn là một trong những “tác nhân” lớn khiến nhiều xe ô tô đi đường bị cháy.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng đã xảy ra các vụ cháy xe đáng tiếc do tác hại của việc phơi, đốt rơm rạ, thóc lúa trên đường giao thông của người dân.
Gần đây nhất, vào khoảng 12h ngày 23/5 trên tuyến đường thuộc địa bàn xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu (Nghệ An), xe ô tô 4 chỗ BKS 37D - 02979 do anh P.V.T (sinh năm 1985, trú tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) điều khiển bất ngờ cháy dữ dội.
Thấy vậy, 3 người trong xe nhanh chóng thoát ra ngoài kịp thời. Lực lượng PCCC&CNCH sau đó đã nhanh chóng có mặt để hỗ trợ chữa cháy, tuy nhiên do đám cháy bùng phát rất nhanh, chiếc xe chỉ còn lại trơ khung sắt. Tại hiện trường, người dân và cả chủ xe nhận định nguyên nhân gây cháy xe do rơm, rạ cuốn vào gầm xe khi đang lưu thông trên đường.
Cách đây 1 năm, cũng tại Nghệ An, trên địa bàn huyện Thanh Chương, chiếc xe ô tô 5 chỗ đang chạy trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Thanh Thịnh (huyện Thanh Chương) thì lửa phát ra từ dưới gầm xe. Phát hiện sự việc, người dân sống gần đó chạy ra tìm cách dập lửa cứu xe và cứu tài xế đang mắc kẹt trong xe.
Sau khi mở được cửa đã bị chốt bên trong, tài xế tự ra khỏi xe nhưng bỏng rất nặng. Người dân địa phương vẫy một chiếc xe khác nhờ chở tài xế gặp nạn đến bệnh viện cấp cứu. Lửa cháy từ chiếc xe lan sang cả rơm rạ đang phơi trên đường Hồ Chí Minh.
Nhiều người dân sau đó tiếp tục tìm cách dập lửa cứu xe nhưng bất thành, chiếc xe bị cháy rụi. Những người có mặt tại hiện trường đều nhận định, nguyên nhân xe cháy là do cuốn phải rơm rạ vào gầm. Trong quá trình xe di chuyển, rơm rạ cọ sát vào mặt đường, cộng với nhiệt độ dưới gầm xe rất lớn là nguyên nhân phát lửa.
Vụ cháy xe ở Diễn Phong, Diễn Châu, Nghệ An gây thiệt hại lớn, nhiều người nghi ngờ là do xe cuốn phải rơm |
Tăng cường tuyên truyền, và xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm
Thực tế tại các địa phương, việc người dân phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường cũng như đốt rơm rạ bên đường giao thông ngày càng xảy ra nhiều hơn cho dù chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở.
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Nghệ An, việc phơi, đốt rơm rạ một cách bừa bãi, tùy tiện và tràn lan như hiện nay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt vào mùa hè nóng nực. Ngoài nguy cơ cháy lan, cháy phương tiện giao thông, ô nhiễm mỗi trường còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT.
Cũng theo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Nghệ An: Thời gian này, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Công an các huyện, thị, thành phố cũng như lực lượng chức năng tại địa phương giám sát, kiểm tra, nhắc nhở bà con nhân dân, mặt khác xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm để giáo dục, răn đe.
Đặc biệt, chú trọng hàng đầu là công tác tuyên truyền về những tác hại của việc phơi, đốt rơm rạ đối với môi trường, sức khỏe, tính mạng và tài sản của con người để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nhận thức, góp phần giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường giao thông trong mỗi mùa thu hoạch hàng năm. Đảm bảo thực hiện tốt các quy định về an toàn PCCC, hạn chế những thiệt hại về cháy, nổ nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo quy định tại Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 12, Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, hành vi “Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ” sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức vi phạm. Trường hợp làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng sẽ bị xử lý theo Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cản trở giao thông đường bộ. |
Tác giả: Sỹ Hòa - Chu Minh
Nguồn tin: atgt.vn