Kinh doanh giảm sút, Bia Sài Gòn - Sông Lam còn bị phạt thuế
- 00:37 02-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà máy Bia Sài Gòn - Sông Lam (Nghệ An). |
Kinh doanh ngày càng giảm sút
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam được thành lập năm 2006, có trụ sở chính tại Khối 1, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ngành nghề chủ yếu của Công ty là Sản xuất, kinh doanh Bia Rượu, nước giải khát…
Hiện công ty có vốn điều lệ 450 tỷ đồng. Trước đó, khi mới thành lập, Công ty đăng ký 250 tỷ đồng và đến năm 2008 nâng vốn lên 450 tỷ và giữ nguyên từ đó đến nay.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 17.000 đ/CP, mã Chứng khoán BSL.
Tính đến 31/3/2021, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam có tổng tài sản hơn 634 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dài hạn là 471 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn của công ty này là 163 tỷ đồng. Với tổng nguồn vốn hơn 634 tỷ đồng hiện tại, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam này là 489 tỷ đồng trong khi nợ phải trả là 144 tỷ đồng.
Từ năm 2017 -2020, tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam đã có sự biến động lớn và ngày càng sa sút.
Tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam đã có sự biến động lớn và ngày càng sa sút. |
Cụ thể, từ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 863 tỷ đồng năm 2017 thì đến năm 2020 chỉ còn 700 tỷ đồng (trong năm 2018 và 2019 có sự mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017).
Nếu chỉ so sánh năm 2019 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 961 tỷ đồng), thì năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam đã giảm hơn 260 tỷ đồng, chỉ đạt 72,8% so với năm 2019 và đạt 92,3% kế hoạch đề ra năm 2020.
Theo đó, Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Bia Sài Gòn - Sông Lam cũng diễn ra tương tự, khi đạt 48 tỷ đồng năm 2017, 32 tỷ đồng năm 2018 và lên đến 69 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, tổng kết năm 2020, Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Bia Sài Gòn - Sông Lam chỉ còn 34 tỷ đồng (giảm hơn 50% so với năm 2019).
Riêng quý 1/2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam mới chỉ đạt hơn 140 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ đạt hơn 1,3 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty này chỉ còn vỏn vẹn hơn 1,0 tỷ đồng. Do đó, lãi suy giảm trên cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam.
Bị phạt, truy thu thêm hơn 1,1 tỷ tiền thuế
Mới đây, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam.
Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam. |
Cụ thể, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài phải nộp theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Vì vậy, công ty bị phạt tiền với mức phạt 20% trên số tiền khai sai, khai thiếu, số tiền phạt là 140 triệu đồng.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam bị truy thu số tiền thuế khai thiếu là 703 triệu đồng, bao gồm 215,4 triệu đồng thuế giá trị gia tăng các năm từ 2015 đến 2019; tiền thuế thu nhập cá nhân các năm từ 2015 đến 2019 là 47,4 triệu đồng và 440 triệu đồng thuế nhà thầu nước ngoài. Ngoài ra, công ty còn phải nộp 295 triệu đồng tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38.
Theo đó, tổng số tiền truy thu thuế, xử phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp mà Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam phải nộp là hơn 1,13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của công ty với số tiền là 29 triệu đồng.
Quyết định xử phạt hành chính này được giao cho ông Võ Hải Thanh – là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam để chấp hành.
Liên quan đến ông Võ Hải Thanh, bên cạnh là Người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam, ông còn là Giám đốc Công ty và là thành viên HĐQT.
Riêng trong năm 2020, ông Võ Hải Thanh đã 2 lần mua thêm cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam. Do đó, đến hiện tại, ông Võ Hải Thanh đang nắm giữ 197.000 cổ phiếu BSL, tương đương 0,405% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Chủ tịch HĐQT của công ty này ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1973). Đáng lưu ý, trong số các thành viên HĐQT có ông Văn Thanh Liêm (SN 1950) - Một người gốc quê xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương (Nghệ An), hiện đang cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh ông Văn Thanh Liêm, các thành viên trong gia đình của ông như Vợ Nguyễn Thị Hạnh và 2 con gái Văn Thảo Nguyên, Văn Bảo Ngọc cũng đang nắm tương đối lớn cổ phiếu BSL.
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam là 1 trong 26 Công ty con thuộc Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Tập đoàn Sabeco còn có 18 công ty liên doanh, liên kết khác nữa). Hiện Tập đoàn Sabeco đang nắm giữ 30.950.000 cổ phần, chiếm tỷ lệ 68,80% tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam (tính đến 31/12/2020) và trở thành cổ đông chính lớn nhất.
Vào năm 2006, BSL do 5 cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội; CTCP Đầu tư 434 và CTCP Thương mại và Kinh doanh nhà H&F.
Được biết, Công ty sở hữu 313.424 m2 đất tại Nghệ An, được dùng để đầu tư xây dựng nhà máy bia.
Thời điểm mới lên sàn UPCoM, Công ty có hai khoản nợ vay ngân hàng 199 tỷ đồng tại Vietinbank – chi nhánh 4 Tp.HCM và 134 tỷ đồng tại VIB – chi nhánh TP Vinh (được thế chấp bằng toàn bộ tài sản cố định của Công ty).
Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn