Chuỗi nhà hàng "Chim to dần" tiêu thụ nhiều loài chim hoang dã, quý hiếm
- 05:37 03-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, 18 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tại Việt Nam vừa đồng loạt ký tên vào thư ngỏ gửi đến Thủ tướng Chính phủ về sự cấp bách và đề xuất các giải pháp cần thiết để bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam.
Chim trời được mang rao bán khắp các tuyến phố ở Thanh Hóa (Ảnh: Bình Minh). |
Chỉ rõ các địa chỉ tiêu thụ chim hoang dã, quý hiếm
Theo thư ngỏ này, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ chim hoang dã, chim di cư tràn lan hiện nay có thể là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng, làm bùng phát thêm các đại dịch, nguy cơ tạo ra thảm họa dịch chồng dịch, hủy hoại những nỗ lực và thành quả phòng chống đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có các bằng chứng khoa học khẳng định khoảng hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, đa phần trong đó là từ động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, tình trạng này cũng khiến đa dạng sinh học ở Việt Nam bị suy giảm, trong đó, nhiều loài chim đã bị tận diệt đến mức vắng bóng trong thiên nhiên.
Tình trạng săn bắt, buôn bán chim hoang dã, chim di cư trong đó có nhiều loài chim nguy cấp, quý, hiếm đã và đang tồn tại công khai rất lâu tại nhiều địa phương, đặc biệt tại một số điểm nóng quanh các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển như Vườn quốc gia Xuân Thủy, Cát Bà, Tràm Chim, Mũi Cà Mau…, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và các tỉnh miền Tây (chợ nông sản Thạnh Hóa ở tỉnh Long An, chợ chim Tam Nông ở Đồng Tháp…).
Rất nhiều loài chim hoang dã, chim di cư quý hiếm của Việt Nam và thế giới bị bắt, giết thịt, tàng trữ, tiêu thụ tại các chuỗi nhà hàng "Chim to dần" trên toàn quốc cũng như tại các cơ sở buôn bán chim hoang dã, thách thức cơ quan thực thi pháp luật.
Việt Nam đã có 11 loài chim ở tình trạng cực kỳ nguy cấp (CR), 19 loài nguy cấp (EN), 27 loài sắp nguy cấp (VU) và 51 loài đang sắp bị đe dọa (NT). Với tình trạng săn, bẫy, bắt và tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư như hiện nay, con số này còn tăng lên rất nhanh.
Thực trạng tận diệt chim hoang dã, chim di cư hiện đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, các chức năng của hệ sinh thái và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế khi Việt Nam đã tham gia nhiều công ước và cam kết quốc tế liên quan đến bảo vệ các loài chim hoang dã.
Nếu không có biện pháp quyết liệt và hiệu quả để nhanh chóng chấm dứt tình trạng này, Việt Nam có nguy cơ cao bị đưa vào danh sách các nước có nhiều loài chim hoang dã, di cư bị đe dọa tuyệt chủng do nạn săn bắt và buôn bán thương mại.
Ban hành văn bản nghiêm cấm việc ăn thịt, giết mổ chim hoang dã
Từ phân tích đó, thư ngỏ của 18 tổ chức phi chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 29/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; yêu cầu bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết đánh giá, kịp thời khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt và xử lý kỷ luật các đơn vị không thực hiện nghiêm chỉ thị này.
Bên cạnh việc gắn trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cho UBND các cấp, cần phải ban hành văn bản nghiêm cấm việc quảng cáo, sử dụng, mua bán trực tiếp, trực tuyến các công cụ bẫy bắt, tận diệt chim hoang dã, chim di cư và các loại công cụ, phương tiện chuyên dùng, tự chế khác.
"Ban hành văn bản nghiêm cấm việc ăn thịt, giết mổ, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán chim hoang dã, chim di cư. Xây dựng kế hoạch quốc gia về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư"- thư ngỏ kiến nghị.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao, bao gồm hàng trăm loài chim hoang dã, chim di cư. Do đó, Tổng cục Môi trường cho rằng thư ngỏ của 18 tổ chức phi chính phủ đã cho thấy vấn đề bảo vệ chim hoang dã, chim di cư đang vô cùng cấp thiết trước khi nhiều loài chim quý hiếm dần biến mất khỏi Việt Nam.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí