Tham vọng mới của tỷ phú Trần Bá Dương
- 07:25 01-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group, dành thời gian nhiều nhất trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức chiều 31/5 để chia sẻ tâm huyết về chiến lược tái cấu trúc, hình thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành. Năm 2020, HĐQT quyết định thành lập các tập đoàn con, tổng công ty thành viên trực thuộc để sở hữu các nhóm công ty trong cùng một ngành nghề.
Trong đó, 2 tập đoàn con là Thaco Auto chịu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh ô tô và Thagrico phụ trách đầu tư nông nghiệp. Ba tổng công ty gồm Thadico phát triển các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp, khu đô thị. Thilogi tổ chức và cung ứng dịch vụ logistics. Thiso phát triển và kinh doanh hoạt động thương mại - dịch vụ ở các dự án bất động sản phức hợp của Thadico.
Đưa công ty đầu tiên lên sàn
Ông Dương nhắc lại sự kiện Thaco không đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng gần đây vì 2 nhóm cổ đông lớn sở hữu đến 97,6% cổ phần tập đoàn. Do đó, tập đoàn không thỏa mãn điều kiện tối thiểu 10% cổ phần có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ để tiếp tục là công ty đại chúng.
Tuy nhiên, tập đoàn sẽ thực hiện đăng ký công ty đại chúng cho các tập đoàn con, tổng công ty thời gian tới, mở đầu là Thaco Auto.
"Thaco Auto sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ phát hành cổ phiếu cho người lao động để thỏa mãn điều kiện 10% số cổ phần biểu quyết của các nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Trong thời gian sớm nhất, công ty sẽ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuyển thành công ty đại chúng và niêm yết tại thời điểm thích hợp theo Luật Chứng khoán mới", tỷ phú Trần Bá Dương cam kết với cổ đông.
Đồng thời, các tập đoàn con, tổng công ty thuộc tập đoàn đều có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng (ESOP) cho nhân viên trong quá trình hướng tới mô hình công ty đại chúng.
Ông Trần Bá Dương phát biểu tại phiên họp đại hội cổ đông chiều 31/5 (Ảnh: THA). |
Hậu trường thương vụ Emart
Ông Trần Bá Dương cũng hé lộ nhiều thông tin về thương vụ mua lại đại siêu thị Emart được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian gần đây.
Theo tỷ phú Dương, tập đoàn và Emart bắt đầu đàm phán từ cuối năm 2020. Sau 5 tháng, doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc quyết định chuyển nhượng 100% vốn của Emart Việt Nam cho Thaco. Tập đoàn của ông Trần Bá Dương sẽ tiếp quản đại siêu thị Emart Gò Vấp (TPHCM) hiện hữu và các dự án đang phát triển khác của thương hiệu Hàn Quốc này.
Phía tập đoàn của ông Trần Bá Dương sẽ sử dụng thương hiệu Emart đến năm 2030 theo thỏa thuận ban đầu. Tập đoàn Hàn Quốc vẫn cử nhân sự chủ chốt làm việc tại Việt Nam để hỗ trợ Thaco vận hành hệ thống siêu thị trong thời gian hợp đồng nhượng quyền ban đầu có hiệu lực.
Ông Dương chia sẻ các công đoạn cuối cùng của thương vụ đang được triển khai. Giao dịch giữa hai bên dự kiến chính thức hoàn tất vào giữa tháng 6.
Mục tiêu của ông và cộng sự là mở thêm 3 đại siêu thị Emart trong năm 2022, tiến đến kế hoạch có 11 điểm bán vào 2025. Trong năm đầu tiên sáp nhập vào Thaco, Emart dự kiến đạt doanh thu 1.800 tỷ đồng.
Tham vọng doanh thu 3,6 tỷ USD
Năm 2021, tập đoàn do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT đặt mục tiêu doanh thu thuần 81.800 tỷ đồng, tương đương 3,6 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế 5.380 tỷ đồng. So với kết quả năm 2020, kế hoạch này của tỷ phú Trần Bá Dương đầy tham vọng khi doanh thu dự kiến tăng 29% và lợi nhuận tăng 41%.
Tham vọng mới của tỷ phú Trần Bá Dương - 2Nhấn để phóng to ảnhBiểu đồ: Việt Đức.
Năm qua, tập đoàn của ông Dương thông báo doanh thu thuần 63.560 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019 nhưng lãi ròng giảm 21% còn 3.817 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng chi 7.586 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư năm 2020.
Tập đoàn cũng sẽ mạnh tay mở rộng đầu tư, ước tính chi đến 17.247 tỷ đồng. Mảng nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu khi Thagrico dự kiến được rót thêm 8.920 tỷ đồng. Song song đó, tập đoàn mẹ sẽ chi 4.739 tỷ đồng cho Thadico, 3.451 tỷ đồng cho Thaco Auto và 137 tỷ đồng cho Thilogi.
Tác giả: Việt Đức
Nguồn tin: Báo Dân trí