Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Tôi biển thủ 2 triệu USD để mua coin và mất trắng trong 20 phút'

Giá tăng giảm nhanh chóng, lại dễ dàng tiếp cận 24/7, nhiều người đã trắng tay vì nghiện mua đi bán lại tiền mã hóa.

Lần đầu tiên Jake biết đến và mua Bitcoin là vào năm 2015. Cảm giác phấn khích đến khi anh dồn hết tiền vào một giao dịch và thắng lớn.

“Tôi có thể nhớ rõ cái khoảnh khắc khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Khi đó số lãi đã bị tôi 'bào' dần, và tôi đã định cất hẳn lãi đi. Nhưng rồi tôi lại mạo hiểm đánh cược toàn bộ số tiền đó trong một giao dịch và gỡ lại được kha khá tiền. Lúc đó tôi thực sự rất phấn khích, đó là một trong những cảm giác tuyệt vời nhất mà tôi từng được trải nghiệm”, Jake, bệnh nhân giấu tên đang điều trị chứng "nghiện giao dịch tiền mã hóa" tại Peebles, Scotland kể lại với BBC.

 Giá tăng giảm liên tục, lại không giới hạn thời gian và số tiền giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư "nghiện" tiền mã hóa và trắng tay. Ảnh: Bloomberg.

Điều mà Jake không lường trước được là chính sự phấn khởi ở lần giao dịch này, cùng với những khó khăn anh phải đối mặt trong hôn nhân và đời sống cá nhân, đã dẫn anh đến một vòng tròn nghiện ngập không có hồi kết.

“Nghiện giao dịch giống như nghiện ma túy”

Tại thời điểm mà Jake còn đi làm tại một công ty, anh chịu trách nhiệm giữ khoản quỹ lên tới hàng triệu bảng Anh. Chính Jake đã biển thủ số tiền quỹ vào sàn giao dịch với hy vọng lặp lại được lần thắng lớn trong quá khứ.

"Lần đầu biển thủ, tôi mất tất cả số tiền trong khoảng 20 phút. Thị trường biến động rất nhanh và toàn bộ số tiền của tôi bị thanh lý. Lúc đó là khoảng 2h đêm. Tôi lên giường và nằm cạnh vợ, cô ấy không hề biết tôi đã làm gì", Jake kể lại.

Không lâu sau, công ty phát hiện ra sự việc và Jake bị cáo buộc hình sự về tội tham ô. Nhưng với sự giúp đỡ từ gia đình, anh đã trả lại được 1,5 triệu bảng Anh (khoảng 2 triệu USD) cho công ty. Về phần Jake, anh đang được điều trị cai nghiện tại một bệnh viện tâm thần.

 Tony Marini, bác sĩ điều trị chứng nghiện giao dịch tiền mã hóa tại Scotland. Ảnh: BBC.

Trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, tổng giá trị của các loại tiền điện tử đã tăng mạnh. Với một thị trường đầy cam go như vậy, khi bạn thắng, bạn sẽ thắng lớn. Và tất nhiên, khi bạn thua, bạn sẽ ra về trắng tay.

Không có thống kê cụ thể về việc có bao nhiêu người "nghiện" tiền mã hóa nhưng Tony Marini, một trưởng khoa cố vấn tại bệnh viện Castle Craig ở Peebles cho hay càng ngày càng có nhiều “con nghiện” tại Scotland.

Cơ sở của ông đã điều trị hơn 100 người nghiện tiền mã hóa trong vài năm qua. Vừa dễ tham gia, lại thường xuyên biến động lớn là nguyên nhân khiến nhiều người nghiện giao dịch.

“Cơn nghiện giao dịch tiền mã hóa cũng giống như cơn nghiện cocaine vậy bởi vì nó đến rất nhanh. Bạn có thể giao dịch 24/7 bất kể trên điện thoại, máy tính, thậm chí là ngay trong phòng ngủ", ông Marini chia sẻ.

Người thua, kẻ thắng

Thị trường không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra mọi vấn đề. Công nghệ phía sau tiền mã hóa mới là điều phức tạp, và nếu bạn không cẩn thận, bạn có thể dễ dàng nhận thấy mình đang đầu tư vào các chiêu trò lừa đảo.

Trường hợp của Jen McAdam là một ví dụ điển hình về việc nếu như không tìm hiểu kỹ về loại tiền này thì mọi đầu tư của bạn sẽ trở nên vô giá trị. Sau khi nghe được cơ hội "đầu tư đổi đời" từ bạn bè, cô quyết định dồn tiền của mình và gia đình, bao gồm cả khoản tiền cha cô để lại trước khi qua đời, vào OneCoin, một dự án đa cấp.

“Tất cả bạn bè và người nhà tôi đều đầu tư. Tình hình hiện giờ là chúng tôi đã bị thiệt hại hơn 250.000 euro rồi. Tôi thật sự cảm thấy vừa xấu hổ vừa mặc cảm. Tôi rất hối hận”, cô cho biết.

 Jen McAdam, nạn nhân tại Anh mất hơn 250.000 bảng vì đầu tư vào đa cấp OneCoin. Ảnh: BBC.

Jen muốn cảnh báo mọi người về những rủi ro mà việc đầu tư tiền mã hóa có thể mang lại, đặc biệt là những người không am hiểu về công nghệ.

“Nếu bạn muốn đầu tư nhưng lại không có bất kỳ kiến thức nào về nó, thì chẳng khác nào bạn đang đánh bạc vậy. Bạn đang thật sự rất mạo hiểm đấy”, McAdam chia sẻ,

Tuy nhiên, không phải việc đầu tư nào cũng đầy rủi ro. Một nghệ sĩ âm nhạc tự do, Cameron Black, cho biết anh cảm thấy mình khá may mắn khi tham gia thị trường tiền tệ này. Giữa thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra, Cameron gần như mất đi toàn bộ buổi diễn và điều đó làm anh điêu đứng.

 Trên thị trường tiền mã hóa, có người thắng lớn và cũng có nhiều người trắng tay. Ảnh: CoinTelegraph.

“Các buổi hoà nhạc bị hoãn, trường học thì đóng cửa, tất cả nguồn thu nhập của tôi hoàn toàn bị cắt”, Cameron nhớ lại.

Cho tới tháng 3 năm ngoái, anh nhận thấy thị trường tiền điện tử đang phát triển, thế là anh quyết định đầu tư.

Sau hơn một năm, mặc dù nền kinh tế vẫn gặp khó khăn, nhưng Cameron giờ đã bớt lo lắng vì quyết định đúng đắn của mình.

“Một năm trôi qua tuyệt vời hơn mong đợi khi tài sản này đang dần tăng lên, ít nhất là trong khoảng thời gian ngắn hạn, nhưng điều đó cũng đã giúp tôi phần nào trút được gánh nặng về tài chính. Nếu tôi có thể nói với chính mình năm ngoái rằng tôi sẽ sớm có được khoản tiết kiệm khá thế này, tôi không biết mình sẽ nghĩ gì khi đó nữa. Thật là nhẹ nhõm”, Cameron chia sẻ.

Tác giả: Huỳnh Duyên

Nguồn tin: zingnews.vn