Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mùa hè đến, đừng để cháy xe vì rơm rạ!

Vào đầu hè, cũng là mùa gặt, đã xảy ra không ít trường hợp ô tô bị cháy khi đi qua khu vực người dân phơi và thậm chí đốt rơm rạ trên mặt đường.

Vào khoảng 12h trưa ngày 23/5 vừa qua, một chiếc ô tô 4 chỗ đang lưu thông trên địa bàn xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu (Nghệ An) thì bất ngờ bốc cháy dữ dội (ảnh trên). Tài xế và người cùng đi trong xe vội tông cửa xe thoát ra ngoài.

Sau đó, tài xế hô hoán mọi người tìm cách dập lửa nhưng do trời nắng nóng, ngọn lửa nhanh chóng bao trùm lên toàn bộ thân xe. Ít phút sau, chiếc xe đã bị cháy trơ khung.

 

Sự việc xảy ra khi chiếc xe đang lưu thông trên tuyến đường người dân phơi nhiều rơm rạ nên nguyên nhân ban đầu được cho là do rơm rạ cuốn vào ống pô đang nóng, gây cháy.

Hàng năm, mỗi khi vào hè, cũng là mùa gặt, lại tái diễn tình trạng người dân mang rơm rạ, thóc lúa ra phơi, thậm chí đốt để lấy tro, ngay trên mặt đường, không chỉ gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông, mà còn có thể gây cháy xe.

Khi ô tô hoạt động, nhiệt độ tại cổ ống xả rất cao, có thể gây cháy bất kỳ lúc nào có rơm, rạ vướng vào. Đặc biệt, nguy cơ cháy còn cao hơn với ô tô cũ, có nhiều vết dầu mỡ tích tụ lâu ngày ở bên ngoài các bộ phận dưới gầm xe.

Ở những nơi rơm rạ được phơi thành lớp dày trên mặt đường, ô tô còn có nguy cơ bị rơm rạ cuốn vào gây kẹt bánh xe. Trong tình huống này, tài xế càng đạp ga, động cơ càng tăng nhiệt, và hơi nóng sẽ khiến cho đống rơm bốc cháy nhanh hơn, có thể thiêu rụi cả chiếc xe.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn người dân phơi rơm rạ trên đường, các tài xế cũng nên chủ động phòng tránh nguy cơ cháy xe do rơm rạ.

Trước tiên, người lái cần tránh hết mức có thể các loại rơm rạ phơi trên đường.

Trong trường hợp không thể tránh, người lái nên tắt điều hòa, hạ kính khi đi qua đoạn đường có phơi rơm. Sở dĩ phải hạ cửa kính vì đã có không ít trường hợp lái xe không biết xe mình đang bốc khói, khi người đi đường nhắc nhở lại không nghe thấy, nên đã để xe bị cháy, trong khi lẽ ra có thể sớm xử lý sự cố.

Sau khi đi qua đoạn đường phơi rơm rạ, người lái nên dừng xe để xuống kiểm tra, gỡ rơm rạ cuốn vào gầm xe và gần ống xả (nếu có).

Ngoài ra, để tránh nguy cơ cháy xe do rơm rạ, hoặc thậm chí là rác, bắt lửa từ hệ thống xả, trước mỗi chuyến đi, chủ ô tô nên vệ sinh máy và xịt gầm cho sạch các vết dầu mỡ đọng, thay vì chỉ rửa xe thông thường.

Không chỉ ô tô, ngay cả xe máy đi qua khu vực có rơm rạ phơi trên đường cũng cần hết sức thận trọng, vì bên dưới rơm rạ có thể "giấu" hòn gạch hay khúc gỗ, khiến xe bị trượt bánh, rất nguy hiểm.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí