Nhóm ngành sư phạm hút thí sinh
- 10:40 27-05-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nữ sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Ảnh: Như Ý |
Nguyện vọng đăng ký gấp 4,5 lần chỉ tiêu
Theo số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm nay,số nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc tốp cao với gần 229.000, gấp 4,5 lần so với chỉ tiêu (hơn 50.700). PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT,nói rằng, việc Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP (áp dụng từ năm học 2021-2022) về đặt hàng đào tạo giáo viên, với ưu đãi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm về học phí, sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp đã tăng sức hút cho ngành sư phạm. Hai năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển ĐH các ngành đào tạo giáo viên tăng cao;với một số ngành “nóng”, điểm chuẩn trung bình các phương thức tuyển sinh lên tới 8-9 điểm/môn.
Điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội theo phương thức xét điểm thi THPT quốc gia năm 2019 cao nhất 26,4 điểm ngành Sư phạm Toán học (dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh). Năm 2020, điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Ngữ văn của trường này là 26,5 điểm và Sư phạm Toán (dạy học bằng tiếng Anh) vọt lên 28 điểm.Với yêu cầu thí sinh đạt trung bình mỗi môn trên dưới 9 điểm mới trúng tuyển, nhiều ngành sư phạm điểm chuẩn cao ngang ngửa ngành “nóng” nhất khối sức khỏe là y khoa.
Cuối năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước thiếu khoảng 70.000 giáo viên, gồm hơn 45.000 giáo viên mầm non. Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương thiếu giáo viên theo định mức. Các địa phương không tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non trong 3 năm học (giai đoạn 2019-2021) để có đủ số lượng giáo viên tối thiểu giảng dạy.
Dù số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành đào tạo giáo viên tăng lên, nhưng ngành giáo dục mầm non ở bậc cao đẳng lại có số nguyện vọng thấp hơn chỉ tiêu (chỉ hơn 9.600 nguyện vọng trong khi có tới hơn 14.500 chỉ tiêu). Trên lý thuyết, ai đăng ký ngành này cũng trúng tuyển. Các năm trước, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành học này ở bậc ĐH cũng không cao. Năm 2020, thí sinh chỉ cần đạt hơn 7 điểm/môn là trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Giáo viên tự chọn trường
Cuối tháng 3, 148 thầy cô giáo trẻ vừa chính thức trở thành viên chức ngành giáo dục của tỉnh Quảng Nam, hội tụ tại trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh để dự một nghi thức đặc biệt: Tự chọn trường, chọn nơi làm việc dựa trên điểm trúng tuyển của mình. Trong hội trường, màn hình lớn hiển thị chỉ tiêu, nơi làm việc của từng trường. Ngồi cạnh màn hình là Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, với dấu đỏ, mực tươi chờ để ký quyết định phân công công tác khi thầy cô giáo chọn được nơi làm việc. Người cao điểm được chọn trước, người thấp điểm chọn sau. Sự kiện này chưa từng xảy ra với giáo viên ở nhiều địa phương khác, nhưng ở Quảng Nam thì đây không phải là lần đầu. Năm 2017, một buổi gặp gỡ tương tự được tổ chức và tới nay vẫn là kỷ niệm không thể quên đối với các thầy cô giáo được trao quyết định ngày ấy.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hà Thanh Quốc, cho hay, gần hai năm nay, ngành giáo dục Quảng Nam đã trao quyết định tuyển dụng cho hàng chục trường hợp là sinh viên sư phạm có kết quả học tập, rèn luyện xuất sắc về giảng dạy tại các trường. Việc tuyển dụng này được thực hiện theo Nghị định số 140/2017 của Chính phủ về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Năm 2020, Sở GD&ĐT Quảng Nam tuyển được 20 sinh viên sư phạm xuất sắc. Đầu năm 2021, Sở tuyển được 8 sinh viên, trong đó có cả sinh viên tỉnh ngoài. Những sinh viên này đều được bố trí giảng dạy ở các trường trọng điểm của tỉnh. Ông Quốc cho hay, hằng năm, Quảng Nam gửi công văn đến các cơ sở đào tạo sư phạm ở miền Trung (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm Huế) để “xin” danh sách sinh viên loại giỏi.
Năm 2018, Sở GD&ĐT Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức cho giáo viên trúng tuyển được tự chọn nhiệm sở.Trước đó một năm, Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng có động thái tương tự. |
Ông Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, cho biết, năm 2020, Sở GD&ĐT Quảng Nam đặt hàng 30 chỉ tiêu sư phạm các môn hệ chất lượng cao. Nhưng trường mới chỉ tuyển được 8 thí sinh vì yêu cầu của Sở GD&ĐT Quảng Nam khá cao, như phải có giải học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, tốt nghiệp đạt học lực xuất sắc. Sau đó, Sở phỏng vấn và tuyển dụng vào dạy tại trường chuyên của tỉnh với mức lương cao hơn bình thường 200%.
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong