Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảnh đìu hiu tại khu chợ gần 150 tỉ đồng ở Hà Tĩnh

Dự án chợ Bình Hương được đầu tư gần 150 tỉ đồng với kỳ vọng giảm tải cho các chợ trung tâm TP Hà Tĩnh, giúp hoạt động kinh doanh nông sản thuận lợi hơn. Thế nhưng sau 2 năm, dự án vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

 Cổng chính vào chợ Bình Hương, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh - Ảnh: LÊ MINH

Dự án chợ Bình Hương (tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) được Hợp tác xã Đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ Bình Hương đầu tư theo hình thức xã hội hóa, với tổng vốn lên đến 147 tỉ đồng.

Dự án tọa lạc trên diện tích 2,1ha, với 2 khu vực chợ truyền thống và chợ đầu mối nông sản. Hạ tầng dự án gồm 7 khối nhà cao 3 tầng, 6 dãy kiôt 2 tầng và 119 kiôt 1 tầng, 1 đình chợ bố trí khoảng 144 sạp hàng; khu vực kinh doanh ngoài trời dùng để các hộ kinh doanh không thường xuyên và khu tập kết hàng hóa.

Vào tháng 4-2019, chợ Bình Hương chính thức đi vào hoạt động, nhưng mục tiêu, kỳ vọng đặt ra ban đầu đã không đạt được, thậm chí nhà đầu tư như "ngồi trên lửa" khi các kiôt bán được không nhiều, tiểu thương đến chợ quá ít.

 Khối nhà 3 tầng tại chợ Bình Hương chưa xây dựng hoàn thiện - Ảnh: LÊ MINH

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, thời điểm hiện tại 1 dãy kiôt vẫn còn đang xây dựng dở dang. Một loạt dãy nhà 3 tầng, 2 tầng đã xây dựng hoàn thiện nhưng chưa hoạt động. Sân bãi nhếch nhác những đống đất và rác.

Hiện chỉ có hạng mục đình chợ đang hoạt động, tại đây mỗi ngày có khoảng 100 tiểu thương từ chợ cũ (xã Thạch Trung) đến buôn bán. Tuy nhiên, vì chợ còn quá ít người đến họp nên những tiểu thương này cũng không thuê chỗ lâu dài, mà chỉ trả phí vào chợ hằng ngày (10.000 đồng).

 Khối nhà 2 tầng đã xây dựng hoàn thành nhưng vẫn chưa hoạt động - Ảnh: LÊ MINH

Ông Tạ Minh Đức - chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã chợ Bình Hương - cho rằng nguyên nhân khiến chợ đến nay chưa đi vào hoạt động hiệu quả vì một số chợ cóc và khu vực buôn bán nông sản ở khu vực chợ TP Hà Tĩnh chưa được dẹp bỏ. Vì thế, nhiều tiểu thương vẫn chưa về chợ Bình Hương mua hoặc thuê kiôt.

Cũng theo ông Đức, chợ Bình Hương có hơn 210 kiôt nhưng hiện nay chưa bán được một nửa. Để thu hút tiểu thương đến chợ, nhà đầu tư hiện chưa thu tiền thuê mặt bằng, mà chỉ thu phí môi trường, phí phòng chống cháy nổ.

"Chúng tôi bỏ ra số tiền lớn để xây dựng chợ nhưng hiện vẫn chưa hoạt động như mong đợi, thời gian qua thu tiền tại chợ chưa đủ trả tiền thuê bảo vệ và cán bộ quản lý", ông Đức nói.

Ông Trần Quang Hưng - trưởng phòng kinh tế UBND TP Hà Tĩnh - cho biết chợ Bình Hương được xây dựng để các hộ kinh doanh tại chợ cũ chuyển sang nơi có cơ sở vật chất khang trang, vệ sinh môi trường sạch sẽ, đảm bảo phòng cháy chữa cháy… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân xã Thạch Trung và các vùng phụ cận.

Hiện nay, mật độ dân cư tại khu vực chợ còn thưa thớt nên nhu cầu mua bán, giao thương của người dân tại chợ chưa cao. Sắp tới có một số nhà đầu tư thực hiện các dự án tại xã Thạch Trung, mật độ dân cư tăng lên sẽ hi vọng chợ hoạt động thuận lợi hơn.

Theo ông Hưng, sắp tới TP Hà Tĩnh đang có kế hoạch phát triển các khu thương mại dịch vụ và khu logistics, cấm các chợ cóc tự phát hoạt động, dẹp bỏ các hoạt động buôn bán tự phát ở vỉa hè. Đồng thời, TP Hà Tĩnh cũng có các giải pháp để tuyên truyền, vận động tiểu thương, người dân đến chợ.

"Phía nhà đầu tư cũng cần có các chính sách phù hợp, tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh để thu hút tiểu thương và người dân đến chợ ngày một đông hơn", ông Hưng nói.

Tác giả: Lê Minh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ