"Ngâm" hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện, Hoài Linh có vi phạm pháp luật?
- 06:56 25-05-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày qua, thông tin về việc NSƯT Hoài Linh và số tiền hơn 13 tỷ đồng ông nhận được để ủng hộ đồng bào miền Trung đang gây xôn xao dư luận. Ngay sau đó, NSƯT Hoài Linh đã chính thức lên tiếng giải thích việc chậm trễ giải ngân là do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên lời giải thích này vẫn chưa làm thỏa lòng dư luận, sự việc đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Sau những ồn ào về số tiền từ thiện hơn 13 tỷ đồng ủng hộ cho đồng bào miền Trung chưa được giải ngân sau hơn nửa năm, nghệ sĩ Hoài Linh đã chính thức lên tiếng (Ảnh: Facebook nhân vật). |
Bày tỏ sự thất vọng, nhiều người thắc mắc: "Tại sao Hoài Linh chậm trễ đến bây giờ vẫn chưa hỗ trợ, nhưng trong suốt thời gian qua im hơi lặng tiếng không thông báo đến mọi người, mà đợi đến lúc đụng chuyện thì mới đem ra trần tình? Kêu mọi người hãy tin vào sự minh bạch của Hoài Linh mà chơi cú này thì ai tin?"; "Lũ cả nửa năm, còn dịch thì kéo dài tầm một tháng hơn mỗi đợt chứ có dịch hoài đâu"…
Một bộ phận khán giả bênh vực thì cho rằng việc NSƯT Hoài Linh lên tiếng thời điểm này là rõ ràng, có trách nhiệm, giúp sự việc không bị đẩy đi xa: "Với một nghệ sĩ nổi tiếng, thường xuyên từ thiện như Hoài Linh thì không có chuyện nhập nhèm từ số tiền ủng hộ của khán giả. Chẳng ai dại gì đánh đổi sự tin tưởng của khán giả đâu", một tài khoản bình luận.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho rằng, số tiền Hoài Linh nhận được từ khán giả, người ủng hộ sau khi vận động quyên góp để hỗ trợ bà con miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt được xác định là tiền cứu trợ theo khái niệm nêu tại khoản 2.4 điều 2 Thông tư số 72/2008/TT-BTC.
Theo đó, ''Tiền cứu trợ'' là khoản tiền huy động được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp để thực hiện công tác cứu trợ đối với các địa phương, các hộ gia đình, cá nhân bị thiên tai hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Vấn đề cá nhân có được kêu gọi vận động tài trợ và phân phối hàng cứu trợ đã được dư luận, cơ quan có thẩm quyền đồng tình từ vụ việc ca sĩ Thủy Tiên. Trường hợp này cần áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để điều chỉnh quan hệ ba bên giữa người ủng hộ - nghệ sĩ Hoài Linh - bà con bị bão lụt.
Quan hệ trên đây là quan hệ ủy quyền, theo đó người ủng hộ bằng hành động chuyển tiền ủng hộ đã xác lập một giao dịch ủy quyền cho Hoài Linh thực hiện một công việc là chuyển số tiền ủng hộ đó đến bà con miền Trung bị bão lũ.
Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".
PV đặt câu hỏi: Vậy người nhận ủy quyền chuyển tiền cần phải thực hiện công việc đó trong thời gian bao lâu? Theo quy định pháp luật hiện nay, việc Hoài Linh 6 tháng không phân phối hàng cứu trợ có vi phạm pháp luật hay không?
Luật sư Lực cho biết, tại Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền".
Theo Quy định pháp luật trên do các bên không có thỏa thuận thời hạn thực hiện việc chuyển tiền đến tay người dân bị bão lũ nên thời hạn 6 tháng vẫn nằm trong thời hạn pháp luật cho phép.
Tuy vậy trong trường hợp này, người nhận ủy quyền là Hoài Linh cần chủ động, công khai thông tin sự chậm trễ, thời hạn dự kiến thực hiện việc trao tiền cứu trợ cho bà con bão lũ miền Trung mới phù hợp với quy định tại Điều 565 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nghĩa vụ của bên được ủy quyền: "Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó; báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền".
Việc Hoài Linh chậm chuyển số tiền ủng hộ đến bà con chịu bão lũ miền Trung, nếu đánh giá trên góc độ pháp luật hiện hành thì không có vi phạm nghiêm trọng, không làm thay đổi bản chất tốt đẹp của hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên đứng trên góc độ tâm lý của người chuyển tiền, muốn số tiền đến ngay lập tức với đồng bào đang hoạn nạn giúp họ giải quyết ngay được khó khăn, thì thời hạn 6 tháng là một thời gian quá lâu. Thời gian này làm ảnh hưởng đến ý nghĩa, mục đích của hoạt động ủng hộ, cứu trợ.
Luật sư Lực nêu quan điểm, qua vụ việc này chúng ta cần có cái nhìn khách quan, nhận xét, đánh giá hoạt động của nghệ sĩ Hoài Linh dựa trên các chuẩn mực pháp luật, đạo đức. Thời gian như vậy là chậm trễ, việc không chủ động thông báo của Hoài Linh là có phần lỗi. Tuy nhiên không thể quy chụp, cáo buộc sự chậm trễ đó đồng nghĩa với hành vi tiêu cực, trục lợi tiền ủng hộ.
"Người tốt, việc làm tốt nhưng có những sai sót nhất định chỉ cần được góp ý để sửa chữa hoàn thiện sẽ giúp cho xã hội càng ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta thấy những người như ca sĩ Thủy Tiên đã đóng góp nhiều điều tốt đẹp như thế nào cho xã hội trong thời gian vừa qua. Chúng ta nên ủng hộ, góp ý để hoạt động từ thiện ngày càng phát triển lành mạnh hơn. Tránh sự cảm tính, cực đoan và ném đá tập thể, khiến cá nhân làm hoạt động thiện nguyện nản lòng, khiến trong tương lai người có khả năng kêu gọi quyên góp nhụt chí", luật sư Quách Thành Lực nói.
Tác giả: Khả Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí