Mỹ gây tranh cãi khi bán lô vũ khí "khủng" cho Israel
- 07:03 20-05-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một tòa nhà trúng hỏa lực tại Dải Gaza trong cuộc không kích của Israel (Ảnh: Reuters). |
Washington Post ngày 17/5 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Quốc hội Mỹ đã chính thức được thông báo về hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 735 triệu USD giữa Mỹ và Israel vào ngày 5/5, gần một tuần trước khi xung đột leo thang tại Dải Gaza giữa lực lượng quân sự Israel và các chiến binh người Palestine.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 18/5 đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí tối tân cho Israel trong bối cảnh xung đột bùng phát tại "chảo lửa" Gaza. Ông Zarif cáo buộc Mỹ đã bán tên lửa "dẫn đường chính xác" cho Israel để tấn công với độ chính xác "cao hơn".
Ngoại trưởng Iran cũng cáo buộc Mỹ ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một tuyên bố chung về cuộc xung đột đang bùng phát tại Gaza.
Trước đó, ngày 16/5, Đại diện thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht Ravanchi cáo buộc sự bảo trợ của Mỹ đối với Israel là yếu tố quan trọng đằng sau việc Washington liên tục né tránh trách nhiệm đối với các hành động khủng khiếp trên thế giới.
Theo Reuters, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/5 cũng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp thuận bán vũ khí cho Israel. Ông Erdogan cho rằng "các cuộc tấn công bất cân xứng nghiêm trọng" vào Gaza đang gây ra thương vong lớn.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích việc Mỹ và các quốc gia khác công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi năm 2017.
"Thay vì tích cực ngăn chặn xung đột Palestine-Israel, Mỹ sẵn sàng đổ thêm dầu vào lửa", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 18/5.
Thỏa thuận "bật đèn xanh" của Mỹ?
Xe tăng Israel tập kết gần Dải Gaza ngày 15/5 (Ảnh: AFP). |
Tiến sĩ Hilal Khashan, người đứng đầu khoa nghiên cứu chính trị tại Đại học Beirut của Mỹ, tin rằng sự ủng hộ của Washington đối với Israel đã "ăn sâu vào việc xây dựng chính sách đối ngoại của Mỹ", bất kể tổng thống là người theo đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ.
Nhà phân tích chính trị Iraq Nadhum Ali Abdullah tại Diễn đàn Phân tích Chính sách Ả Rập cho rằng, việc Mỹ phê duyệt bán vũ khí vào thời điểm Israel đang tiến hành cuộc chiến khốc liệt chống lại người Palestine sẽ không giúp ích cho nỗ lực xoa dịu căng thẳng hoặc chấm dứt đổ máu.
"Thỏa thuận này là một thông điệp ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chính phủ (Israel) sẽ tiếp tục từ chối thẳng thừng tất cả giải pháp và nghị quyết quốc tế nhằm tìm cách xoa dịu tình hình và ngăn chặn sự đổ máu của người Palestine", nhà phân tích Abdullah nhận định.
Theo ông Abdullah, bằng việc cung cấp vũ khí cho Israel, Mỹ đang cản trở các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các nỗ lực khác nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn.
Tổng thư ký Mặt trận Đấu tranh Palestine Khaled Abdul-Majid cũng cho rằng xung đột Israel-Palestine đang diễn ra là do Mỹ ủng hộ Israel - "cánh tay quân sự" của Washington trong khu vực.
"Lập trường thiên vị như vậy của Mỹ đang đẩy lùi bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột Palestine-Israel đã kéo dài 7 thập niên", ông Khaled nhận định.
Theo ông Khaled, sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ khiến Israel "không thực sự sẵn sàng đàm phán hoặc đưa ra một giải pháp công bằng và chính đáng với người Palestine". Ông kêu gọi Washington "ngừng cản trở các nỗ lực nhằm giải quyết xung đột" và thực hiện đúng theo các khẩu hiệu của Mỹ về "tự do, bình đẳng, công lý".
Ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng có ý kiến phản đối việc phê duyệt bán vũ khí cho Israel.
Một đoạn video do kênh tin tức CBS đăng tải cho thấy đám đông người biểu tình ủng hộ Palestine đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán Israel ở Los Angeles vào chiều 18/5. Họ cầm quốc kỳ Palestine và các băng rôn trong khi hô khẩu hiệu.
Nghị sĩ đảng Dân chủ ở Minnesota Ilhan Omar ngày 18/5 nói với CNN rằng, sẽ rất "kinh khủng" nếu chính quyền Mỹ thông qua việc bán vũ khí cho Israel, đồng thời cảnh báo đây là động thái "bật đèn xanh" cho sự leo thang xung đột và làm sụp đổ bất kỳ nỗ lực nào trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên.
Xung đột đang diễn ra tại Dải Gaza là cuộc giao tranh bạo lực lớn nhất giữa Israel và Palestine kể từ năm 2014.
Theo Sputnik, sau hơn 1 tuần giao tranh, ít nhất 214 người Palestine, trong đó có 59 trẻ em; và 10 người Israel, bao gồm một cậu bé 5 tuổi và một binh sĩ, đã thiệt mạng. Hơn 1.000 người đã bị thương và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Xung đột cũng gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng cho cả 2 bên.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 16/5, Thủ tướng Israel tuyên bố cuộc tấn công vẫn sẽ tiếp tục và sẽ kéo dài tới "chừng nào cần thiết", bất chấp mọi nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu hôm thứ 17/5, Tổng thống Biden nói rằng Israel có quyền "tự vệ". Nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ sự ủng hộ về một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza.
Tác giả: Thành Đạt (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí