Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thâm nhập các nhóm đầu tư tiền ảo, phát hiện chiêu thức "lùa gà" khó tin

Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm, diễn đàn đầu tư tiền ảo mọc lên như nấm, hết nhóm này lại có nhóm khác, không ngừng lôi kéo, dụ dỗ người chơi với các chiêu thức "lùa gà" kinh điển.

Muôn kiểu "lùa gà", vạn lối đi "săn"

Gần đây, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm đầu tư tiền ảo bắt đầu nở rộ, mọc lên như nấm. Dù trước đó, các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng, cảnh báo về việc các mô hình đầu tư tiền ảo lừa đảo người chơi như Coolcat, Pchome, Busstrade..., lượng thành viên và người tham gia vào các nhóm này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Để tìm hiểu thực tế quy mô cũng như phương thức hoạt động, phóng viên báo Dân trí đã trực tiếp tham gia các hội nhóm đầu tư tiền ảo trên mạng xã hội như "Cộng đồng Busstrade Việt Nam - Kiếm tiền triệu mỗi ngày" với 7.700 thành viên, Coolcat Việt Nam - Đầu tư an toàn" với 14.200 thành viên, "Dogecoin Việt Nam" với 4.800 thành viên.

 Từ mô tả, sàn Busstrade có lợi nhuận 20 - 30%/tháng và bảo hiểm vốn 100%.

Trong đó, cách thức "lùa gà" quen thuộc của những hội nhóm này là liên tục mời gọi người chơi rót tiền vào đầu tư. Nếu người chơi đồng ý, ngay lập tức, họ sẽ được đưa vào các hội nhóm bí mật trên zalo, telegram để trao đổi, hướng dẫn kiến thức, nạp tiền.

"Các hội nhóm trên facebook lập ra mục đích chỉ để tuyển chọn "con mồi". Sau đó, họ sẽ cho chúng tôi vào các hội nhóm trên zalo để hướng dẫn tải app, nạp tiền. Nếu sau đó, sàn sập, ứng dụng biến mất, họ chỉ cần một thao tác nhỏ là đóng hay xóa toàn bộ nhóm dễ dàng" - một người từng bị ứng dụng Pchome lừa đảo cho biết.

Không những thế, các ứng dụng đầu tư tiền ảo này còn liên tục đưa ra cam kết lãi "khủng" khiến người chơi vì lòng tham mà mờ mắt, mất hết tỉnh táo.

Đơn cử như Pchome, một ứng dụng được quảng cáo là chỉ cần mua các gói, truy cập vào app và "giật" các đơn hàng là sẽ thu về tiền triệu. Hay chỉ cần bỏ 15 phút hàng ngày, lên sàn Coolcat đặt lệnh mà người chơi có thể nhận lãi "khủng" và ăn hoa hồng cao khi giới thiệu người mới.

 Mức lợi nhuận "khủng" khiến người chơi "hoa mắt".

Thậm chí, với ứng dụng Busstrade, nhà đầu tư không cần kiến thức tài chính mà chỉ việc bấm lệnh theo "thầy". "Thầy" ở đây là những người trong đội ngũ Busstrade. Hàng ngày, họ sẽ lên các ứng dụng như facebook, zalo phổ cập kiến thức, kêu gọi nhà đầu tư nạp tiền và đi "săn". Với quảng cáo, nếu chăm chỉ đi "săn" liên tục, người chơi sẽ thu về 1 - 2% lợi nhuận.

Để dẫn dụ người chơi, trên các hội nhóm đầu tư tiền ảo còn có một hệ thống cò mồi dày đặc. Công việc của "cò mồi" mỗi ngày là khoe tiền, khoe đầu tư thành công, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư hiệu quả. Nếu thấy người chơi băn khoăn, lo lắng về ứng dụng, những người này sẽ lập tức "dỗ ngon dỗ ngọt" để trấn an khách hàng.

"Bình cũ rượu cũ" nhưng người chơi vẫn sập bẫy

Mới đây, hàng nghìn người bị lừa đảo từ các sàn, ứng dụng như Pchome, Coolcat, Busstrade đã viết đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.

Nếu nhìn lại, hầu hết các mô hình này có một điểm chung là hoạt động theo mô hình đa cấp ponzi. Nghĩa là người trước giới thiệu người sau vào tham gia sẽ được hưởng hoa hồng. Nếu càng dẫn dụ được nhiều người thì phần thưởng nhận về càng lớn.

Giả sử như cách tính hoa hồng ở Pchome, nhà đầu tư mời A (bạn bè) tham gia bằng mã mời của mình, khi đó A sẽ là thành viên cấp dưới (cấp 1). Khi A giật đơn hàng mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ nhận được 8% hoa hồng từ số hoa hồng của A.

Khi A mời B (bạn của A) tham gia bằng mã mời của A, khi đó B sẽ là thành viên cấp dưới của A và của nhà đầu tư (cấp 2). Từ đó, người chơi sẽ nhận được 5% hoa hồng từ B. Khi B mời C (bạn của B) tham gia, nhà đầu tư sẽ nhận được 3% hoa hồng từ C.

Theo cách tính đơn giản, nếu hoa hồng của A hôm đó là 1 triệu đồng thì nhà đầu tư sẽ nhận được 80.000 đồng vào tài khoản PChome mỗi ngày.

Đặc biệt, các mô hình thường có các khoản đầu tư với tên gọi mỹ miều như "giật đơn ăn tiền, bảo hiểm khoản vay, hoàn tiền khi mua hàng" để lôi kéo khách. Thời gian đầu, các ứng dụng đều hoạt động hết sức trơn tru, sau đó thì thường xuyên lỗi hỏng và cuối cùng là sập sàn.

Không những thế, người đứng đầu các nhóm đầu tư thường tổ chức sự kiện hoành tráng, thuê địa điểm ở khách sạn 5 sao để chiêu đãi, tri ân, vinh danh nhà đầu tư. Muốn tham dự, người chơi phải mua các gói nâng cấp tài khoản để nhận vé. Tuy nhiên, sự kiện hay lễ vinh danh thì chưa thấy đâu mà sàn đã sập, người đứng đầu thì bật vô âm tín, ôm tiền bỏ chạy.

Cay đắng hơn, khi biết tin Pchome sập, một người chơi ở Hà Nội còn nhận được tin nhắn thách thức "Tao lừa đảo rồi, tao không cho rút tiền đâu".

 Nhiều người nổi tiếng đã đăng trạng thái giống hệt nhau trên mạng xã hội.

Hay mới đây, để "tô hồng", quảng bá cho sản phẩm tiền ảo - thực tế là hình thức đầu tư crypto (tiền kỹ thuật số). Nhiều người nổi tiếng đã lên mạng xã hội đăng trạng thái nói về tiềm năng của các loại tiền ảo như Doge, Shiba, Akita, Poodl, FXT, Kishu…

Như trong nhóm "Cộng đồng Dogecoin Việt Nam", thông tin về đồng tiền ảo Dogecoin liên tục được cập nhật. Theo hướng dẫn của các thành viên trong hội, người chơi có thể mua đồng tiền này trên các sàn giao dịch tiền ảo và lưu trữ tài sản trên ví Dogecoin Wallet, đây là nền tảng do chính đội ngũ phát hành tạo ra.

Thay vì mời chào, lôi kéo người chơi tham gia, hội nhóm này đa phần chỉ cập nhật chỉ số lên xuống, giá của đồng tiền trong ngày. Tuy nhiên, những nhà đầu tư Dogecoin lại luôn vẽ ra viễn cảnh màu hồng khi cho rằng, đồng tiền này sẽ tăng giá hấp dẫn trong tương lai nên cần mua càng nhanh càng tốt.

Thậm chí, một thành trong nhóm "Dogecoin Việt Nam" có tên là V.T.L còn thông báo "Mình hiện có 15 cửa hàng xe máy miền Bắc đang tính cho phép thanh toán bằng Doge". Hay một thành viên có tên là H.L còn cho biết "Mình đang chạy xe ôm, cũng tính cho thanh toán bằng Doge". Những thông tin trên, dù chưa biết thật giả nhưng đã thu hút được vô số bình luận. Trong đó, nhiều người cho rằng, việc thanh toán bằng tiền ảo nói chung hay bằng Dogecoin nói riêng ở Việt Nam là vi phạm pháp luật.

Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Hà Minh Thông - chuyên gia tài chính tại TPHCM - cho biết, nếu xét về tiềm năng thì đầu tư vào tiền kỹ thuật số là có tiềm năng vì đây là tương lai. Sản phẩm dựa trên nền tảng tài chính phi tập trung. Tuy nhiên, rủi ro của nhà đầu tư là sản phẩm chưa được pháp luật Việt Nam chấp nhận.

Nếu nhà đầu tư dồn vốn liếng vào đồng tiền kỹ thuật số theo lời khuyến khích của người nổi tiếng. Đến một ngày nào đó, sàn "tiền ảo" bỗng nhiên không truy cập được. Khi đó, nhà đầu tư cũng không thể kiện được ai, vì cơ bản, luật pháp Việt Nam không bảo hộ cho việc này.

Cũng theo ông Thông, khi muốn đầu tư vào tiền kỹ thuật số thì nhà đầu tư cần phải xem rủi ro của nó là gì. Bởi sàn "tiền ảo" hoàn toàn có thể sập bất cứ lúc nào. Nhà đầu tư nên chọn những đồng tiền kỹ thuật số có giá trị, có nền tảng công nghệ, có mục đích rõ ràng.

Tác giả: An Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí