Đãi ngộ giáo viên mầm non
- 14:56 12-05-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa/INT |
Nhìn chung, công việc giáo viên mầm non so với nhiều cấp học khác là khá vất vả nhưng những chính sách ưu đãi vẫn chưa thực sự tương xứng.
Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Số tiền sẽ chi cho các cơ sở giáo dục mầm non lên đến 10,4 tỷ đồng mỗi năm. Trong số các đối tượng được thụ hưởng, có giáo viên mầm non, mỗi người được hỗ trợ 800 nghìn đồng/tháng, tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học.
Việc tỉnh Quảng Nam quan tâm cấp học mầm non nói chung và giáo viên mầm non nói riêng khiến nhiều giáo viên cả nước vui lây. Bởi nỗi vất vả của giáo viên mầm non hầu như ai cũng nghe, cũng thấy, nhưng chính sách hỗ trợ thì “vướng” nhiều thứ.
Trước đó, lãnh đạo 5 Sở GD&ĐT ở miền Tây (Cà Mau, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang) cũng đã ngồi lại bàn thảo, gỡ khó vấn đề giáo viên mầm non. Thực tế cho thấy, giáo dục mầm non các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian qua thiếu hụt trầm trọng lực lượng giáo viên. Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp khá thấp, trung bình từ 1,7 giáo viên/lớp (quy định là 2,5 giáo viên/lớp); có nơi chỉ được từ 1 đến 1,3 giáo viên/lớp.
Nguyên nhân chính được xác định là chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non còn thấp; công việc nhiều, họ phải thực hiện 3 chức năng: Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, vừa phải làm đồ dùng dạy học, hoạt động phong trào… Thời gian làm việc của giáo viên mầm non từ 9 - 10 giờ/ngày. Họ thường phải đến trường sớm để đón trẻ và chờ cho phụ huynh đón hết trẻ mới được về. Có khi phụ huynh quên, các cô phải chờ đến tối! Một số trường vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non phải tốn kinh phí cho việc đi lại… Ngoài ra áp lực còn đè nặng lên vai ngành Giáo dục về vấn đề tuyển dụng giáo viên, vị trí việc làm, tinh giản biên chế…
Chính những khó khăn này khiến không ít sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non xin làm việc khác, thậm chí đi làm công nhân vì lương cao hơn. Giáo viên mầm non chịu áp lực lớn từ dư luận xã hội, thí sinh ít chọn ngành học này...
Thực tế cho thấy, để gỡ khó cho giáo viên mầm non, mấu chốt nằm ở chỗ tình hình thực tiễn và ngân sách địa phương đầu tư cho giáo dục. Như tỉnh Tiền Giang thực hiện chế độ ưu đãi cho giáo viên ở 57 xã vùng sâu vùng xa gồm: Trợ cấp tiền ăn, tiền xe trong thời gian 3 năm hoặc cho đến khi nào không còn thiếu giáo viên… Nhiều tỉnh đã có lộ trình đào tạo giáo viên mầm non, nâng chuẩn nghề nghiệp theo các hình thức liên kết đào tạo, hỗ trợ kinh phí, đào tạo theo địa chỉ; Có chính sách thu hút sinh viên vào ngành Sư phạm Mầm non như: Tặng học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí, tạo môi trường học tập, thực hành…
Mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện. Thông qua bậc học mầm non, trẻ được chuẩn bị những kỹ năng để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, kỹ năng xã hội, ngôn ngữ để chuẩn bị vào học lớp một. Có được kết quả này của giáo dục mầm non không thể không nhắc đến vai trò của các giáo viên ngày đêm không quản khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ ươm mầm non của đất nước.
HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn không chỉ hỗ trợ cho trẻ em theo học mà còn hỗ trợ cho giáo viên và hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, mua sắm đồ dùng dạy học… Đây là một chính sách nhân văn, cần thiết nhằm giúp công nhân, người lao động và đội ngũ giáo viên mầm non giảm bớt khó khăn.
Tác giả: Quốc Ngữ
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại