Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người phụ nữ giàu nhất Việt Nam tụt hạng trong top tỷ phú

Tài sản của người phụ nữ giàu nhất Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Thảo - bất ngờ sụt giảm khiến vị trí của bà trong top những người giàu nhất bị rớt hạng.

Người phụ nữ giàu nhất Việt Nam tụt hạng

Chuỗi ngày giảm giá cổ phiếu đã kéo khối tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air xuống còn 26.916 tỷ đồng. Sau thời gian dài giữ vững vị trí thứ hai trong bảng danh sách người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam, CEO Vietjet Air đã phải "nhường" vị trí cho hai vị đại gia khác là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát và ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland.

 Người phụ nữ giàu nhất Việt Nam tụt hạng trong danh sách tỷ phú.

Theo đó, với phong độ của "cỗ xe tăng" HPG, giá trị tài sản ông Trần Đình Long đã đạt mức 51.235 tỷ đồng trong khi tài sản của ông Bùi Thành Nhơn là 28.840 tỷ đồng.

Chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến đổi vận

Theo đó, khác với những năm trước, giai đoạn đầu năm nay có vẻ thuận lợi hơn cho KBC lẫn ITA trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ mạnh vào các khu công nghiệp. Chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm đã không còn cảnh đi giải trình lỗ với nhà đầu tư và cổ đông, kêu gọi cổ đông kiên nhẫn như trước.

Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh KBC của ông Đặng Thành Tâm cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đã tăng gấp gần 4 lần cùng kỳ lên xấp xỉ 2.002 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cho thuế đất và chuyển nhượng bất động sản tăng gấp 3 cùng kỳ, đạt hơn 1.904 tỷ đồng.

Trừ đi giá vốn, KBC có lãi gộp hơn 1.123 tỷ đồng trong quý đầu năm, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của KBC cũng tăng gấp 2,5 lần lên 41,8 tỷ đồng. KBC cũng ghi nhận lãi từ công ty liên kết (cùng kỳ lỗ).

ITA của bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng không kém cạnh khi đạt được kết quả tăng phi mã ngay trong quý đầu tiên của năm. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ của ITA tăng vọt 88% so với cùng kỳ lên 177,2 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, ITA còn 81,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 58% so với quý I/2020.

"Bầu" Thắng còn lại gì ở Kienlongbank?

Tính tới thời điểm 31/12/2021, ông Phạm Trần Duy Huyền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank, nắm giữ 15,3 triệu cổ phần KLB (4,73%). Ông Huyền được liệt kê là con rể ông Võ Thành Phan - anh trai ông Võ Quốc Thắng.

Trước đó, ông Võ Quốc Lợi, con trai ông Võ Quốc Thắng, sở hữu 15,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,69% vốn điều lệ Kienlongbank. Tuy nhiên, hồi cuối năm 2020, do ông Võ Quốc Thắng đã rời Kienlongbank nên ông và những người liên quan bao gồm ông Võ Quốc Lợi không có tên trong báo cáo tình hình quản trị. Vì vậy, không rõ lượng cổ phần có ông Võ Quốc Lợi có biến động hay không.

Ngoài ra, một số cổ đông tổ chức là các công ty con, công ty thành viên của Đồng Tâm Group cũng sở hữu gần 15,3 triệu cổ phiếu KLB, chiếm tỷ lệ 4,72% vốn điều lệ ngân hàng.

Như vậy, những cá nhân và đơn vị liên quan đến bầu Thắng nhiều khả năng vẫn sở hữu 9,41% vốn điều lệ Kienlongbank.

Thế nhưng, ở Kienlongbank, một người bạn và đối tác lâu năm của bầu Thắng là ông Mai Hữu Tín cũng đang nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Tín không trực tiếp sở hữu cổ phần Kienlongbank nhưng ông Vũ Xuân Dương, em rể ông Mai Hữu Tín, nắm giữ 15,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,89% vốn ngân hàng.

Ly hôn chia tiền của gia đình đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ

Ngày 7/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã phát hành quyết định giám đốc thẩm vụ án "tranh chấp về hôn nhân và gia đình" giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (48 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TNI) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (50 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).

Về chia tài sản chung, bà Thảo được chia tổng số tài sản trị giá hơn 3.245 tỷ đồng (trong đó có 7 bất động sản tương đương 376 tỷ đồng), còn ông Vũ được chia tổng số tài sản trị giá hơn 4.687 tỷ đồng (trong đó có 6 bất động sản tương đương 350 tỷ đồng).

 Vụ ly hôn của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ tốn không ít giấy mực của báo chí.

Tòa án cũng giao bà Thảo được sở hữu toàn bộ tiền đứng tên bà Thảo gửi tại các ngân hàng, với số tiền hơn 1.551 tỷ đồng và ông Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông Vũ và bà Thảo tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương số tiền trị giá khoảng 5.655 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Vũ phải thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia là hơn 1.318 tỷ đồng (so với bản án phúc thẩm ngày 05/12/2019 thì ông Vũ phải thanh toán thêm cho bà Thảo hơn 127 tỷ đồng).

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí