Nghệ An: Xót xa cảnh cha mẹ già nuôi 2 con tàn tật và tâm thần
- 07:20 11-05-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ ở xóm nghèo xã Nam Lĩnh (Nam Đàn - Nghệ An). Hình ảnh người đàn ông ngơ ngác nhìn quanh, thỉnh thoảng nói nhảm và cười vô hồn, khiến lòng người cha già quặn thắt. Trên hiên nhà, người mẹ tóc bạc đang tay bón cơm, tay chải vội mái tóc ruối bù cho đứa con hơn 30 tuổi chưa nói một lời. Nước mắt bà cứ chảy dài…
Người mẹ già với đứa con hơn 30 năm bệnh tật. |
Về thăm gia đình ông Hoàng Đình Trông (68 tuổi) và bà Phan Thị Nuôi (69 tuổi) tại xóm 6, xã Nam Lĩnh vào một buổi trưa nắng nóng. Cái nắng miền trung trong một không gian chật chội của ngôi nhà cấp 4 cũ công thêm cái mùi vị “đặc trưng” của gia đình nuôi 2 người “có vấn đền” làm không khí trở nên đặc quánh.
Tiếp chúng tôi, ông Trông lau vội chiếc bàn cũ kỹ, hư hỏng để tìm chỗ đặt cốc nước. Năm nay 68 tuổi, nhưng nhìn vào ông hiện tại chẳng ai dám nghĩ ông mới chưa đầy 70. Thân hình gầy gò, dạ mặt đen bóng, đầy nếp nhăn nheo với mái tóc lưa thưa bạc gần hết trông ông như ở độ tuổi xưa nay hiếm rồi.
Ông kể: Lấy vợ lúc 20 tuổi, vợ chồng ông chăm lo làm ăn và hạ sinh được 6 người con. Hai người con trai đầu và bốn em gái. Những tưởng cuộc sống của vợ chồng ông cùng các con sẽ được yên lành theo năm tháng như niềm mong mỏng. Tuy nhiên tai họa liên tiếp ập tới với gia đình.
Năm 1990, bà Phan Thị Nuôi hạ sinh đứa con gái thứ 6, đặt tên Hoàng Thị Hằng. Ngay từ lúc sinh ra, bản thân em đã mắc phải các triệu chứng của hội chứng Down. Từ đó đến nay, hơn 30 năm có mặt trên đời là ngần ấy thời gian người mẹ già phải ngày ngày lo từng miếng ăn, giấc ngủ, đi lại rồi vệ sinh hay bất cứ hoạt động khác cho Hằng.
Biết nhà có khách, ở trong nhà bà nói vọng ra: “các chú ngồi chơi tôi rửa cho con Hằng tý đã nhé…”. Tiếp lời vợ mình, ông Trông tâm sự: “Hết khổ chú ạ, Từ khi sinh ra đến giờ là như vậy hết. Mọi việc đều do bà chăm con bé. Khi bình thường còn đỡ khi nó lên cơn thì…” ông nghẹn lại. Có những đêm, con bé lên cơn, nó la hét, vò đầu, bứt tóc cào cấu mẹ khiến tôi phải một tay giằng tay con ra chứ không bà Nuôi không trụ nổi… - ông Trông kể.
Câu chuyện về em Hằng của chúng tôi bị ngắt quãng bởi người anh của Hằng trong cũi bắt đầu đập phá. Khi hỏi chuyện về người anh ấy, ông Trông gạt nước mắt, chua xót: “Biết là tàn nhẫn, ác với con mình quá nhưng không làm thế không được. Đó là con trai thứ 2 của tôi (anh Hoàng Đình Hòa, 41 tuổi - PV), nó bị thế gần 5 năm trời rồi”.
Theo tìm hiểu, sau khi lập gia đình được một thời gian anh Hòa cùng vợ hạ sinh được 2 người con. Cũng một thời gian ngắn sau, bỗng một ngày anh phát bệnh tâm thần. Không chịu nổi chồng mình trong những cơn điên, vợ anh đã “ôm” con bỏ vào miền Nam sinh sống, bỏ lại anh với cha mẹ già cùng em bệnh tật.
Ông Trông nói: “Từ ngày bị bệnh, Hoàng đi khắp nơi, nói nhảm nhiều chuyện. Có khi gặp người là đánh, rồi đập phá đồ đạc, có mấy lần còn lấy lửa đốt cây rơm nhà khác… Do tuổi cao, các con cái đi làm ăn xáa cũng khó khăn, không đỡ đần được bố mẹ, nên tôi và gia đình quyết định phải mua 1 dây xích to về buộc vào chân con rồi một đầu khóa vào cột nhà.
Những tưởng như thế sẽ “giữ” được người con tâm thần ở nhà tránh đập phá… Tuy nhiên, suy nghĩ của ông không được trọn vẹn, chỉ một thời gian anh Hoàng giật phá sợi xích dần hư hỏng, kèm theo chân của anh cũng bị đau. Được một người cháu hỗ trợ, ông gom góp tiền đặt một cái cũi “nhốt” con mình vào đó. Từ ngày phải “nhốt” con vào đó chẳng lúc nào tôi yên lòng.
Đến chết cũng không hết khổ?
Hoàn cảnh gia đình ông Trông, bà Nuôi là vậy nhưng hiện cả gia đình chỉ được hưởng chế độ của hộ gia đình cận nghèo. Khi được hỏi tại sao không đưa con đi chữa bệnh, ông Trông tâm sự: “Tiền đâu ra chú. Riêng thằng Hòa đã trên dưới chục lần nhà tôi vay mượn tiền để đưa con đi Bệnh viện Tâm thần chạy chữa. Tuy nhiên, bệnh tình không thuyên giảm trong khi cứ đến viện là đập phá. Trước tết, khi nhập viện nó đập hết nhiều đồ đạc của bệnh viện. Biết gia đình hoàn cảnh nên may không bị bắt đền…”.
Cũng muốn tìm cách chữa bệnh cho các con nhưng ở cái tuổi này thì không thể. “Nhốt” con vào cũi cũng đau lòng, cùng thương con lắm chứ nhưng biết làm gì được - ông nói trong uất nghẹn.
Chia tay gia đình, chúng tôi không khỏi ám ảnh với tâm sự của bà Phan Thị Nuôi: “Tuổi này rồi, sống chết không biết khi nào. Như vợ chồng tôi có chết cũng không hết khổ? Mà nếu chết rồi, ai lo cho 2 đứa con bây giờ???”.
Ông Hoàng Đình Trông. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Toàn - Chủ tịch MTTQ xã Nam Lĩnh, cho biết: “Hoàn cảnh gia đình ông Hoàng Đình Trông hết sức éo le. Trong gia đình ông hiện có 2 người bị bệnh, người con gái thì có chế độ của nhà nước nhưng người anh thì chưa được hưởng chế độ nào vì gia đình không đưa anh ấy đi khám bệnh để làm thủ tục hồ sơ theo quy định được”.
Chúng tôi rất mong các mạnh thường quân, đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ để gia đình ông bà bớt khổ hơn.
Mọi sự giúp đỡ cho gia đình, xin được gửi về: Ông Hoàng Đình Trông, xóm 6, xã Nam Lĩnh – Nam Đàn – Nghệ An. SĐT: 0398.659.178 hoặc 0964.061.863 |
Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn tin: Pháp luật Plus