Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


5 lợi ích của xông mặt bằng lá tía tô

Để giúp các chị em cải thiện sắc đẹp cũng như cải thiện sức khỏe cho gia đình, bài viết ngày hôm nay sẽ đề cập tới mọi điều mà bạn cần biết về việc xông mặt bằng lá tía tô.

Đối với nhiều chị em phụ nữ, xông hơi thảo dược có lẽ không còn là điều gì xa lạ. Đây là một phương pháp làm đẹp và chăm sóc sức khỏe đã được áp dụng từ thời xa xưa dành cho bậc vua chúa. Tác dụng chính của xông hơi thảo dược là chăm sóc và cải thiện sức khỏe làn da, bên cạnh việc điều hòa khí huyết và đẩy mạnh quá trình bài tiết, trao đổi chất của cơ thể.

Nhiệt độ cao trong quá trình xông hơi sẽ giúp tinh dầu thấm sâu vào da để phát huy tối đa công dụng. Những thảo dược thường được dùng để xông hơi bao gồm bạc hà, kinh giới, sả, hương thảo, …

Trong số đó, xông mặt bằng lá tía tô cũng là lựa chọn được các chị em ưa thích bởi công dụng tuyệt vời của lá tía tô đối với sức khỏe. Với rất nhiều các dưỡng chất có lợi, loại lá này được người Việt Nam sử dụng rộng rãi để làm thực phẩm và thuốc.

1. Tác dụng của việc xông mặt bằng lá tía tô

1.1. Giải cảm

Lượng flavonoid dồi dào trong lá tía tô giúp thông mũi, mát họng và giúp bạn thở dễ dàng hơn. Các hợp chất kháng khuẩn, kháng viêm trong lá cũng được phát tán theo nhiệt lượng tỏa ra để tiêu diệt các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh.

Bên cạnh đó, bản chất của liệu pháp xông hơi đã là một cách hữu hiệu để người bị cảm ra nhiều mồ hôi và hạ nhiệt cơ thể nhanh chóng.

 Lượng flavonoid dồi dào trong lá tía tô giúp thông mũi, mát họng và giúp bạn thở dễ dàng hơn. (Ảnh: Internet)

1.2. Thư giãn cơ thể

Dù bạn sử dụng lá tía tô tươi hay tinh dầu tía tô để xông mặt, mùi thơm đặc trưng của lá tía tô là yếu tố giúp cho cơ thể thả lỏng và thư giãn. Chỉ trong khoảng 20 phút xông hơi, bạn sẽ giải tỏa được nhiều mối căng thẳng để tinh thần được thoải mái hơn.

Liệu trình xông hơi cũng đặc biệt hữu hiệu ở những người mắc bệnh mất ngủ, khó ngủ hoặc gặp nhiều áp lực trong cuộc sống.

1.3. Đẩy lùi viêm mũi dị ứng

Hơi nóng trong quá trình xông hơi sẽ giúp mở rộng niêm mạc mũi, họng và làm lỏng kết cấu của đờm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp chất hóa học có lợi cho đường hô hấp trong lá tía tô phát tán sâu vào khoang mũi họng. Tại đó, chúng sẽ phát huy tác dụng của mình trong việc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.

Chỉ trong một thời gian ngắn xông hơi, các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, … sẽ dần biến mất.

1.4. Chữa mụn

Các chất kháng khuẩn và chống viêm lại một lần nữa phát huy tác dụng trong việc chữa lành mụn cám, mụn trứng cá, … Các lỗ chân lông giãn nở vì nhiệt sẽ để lộ ra nhân mụn, và tinh chất tía tô sẽ thẩm thấu sâu vào da để diệt vi khuẩn, giảm sưng tấy cũng như phòng ngừa nguy cơ phát triển các loại mụn khác.

 Các chất kháng khuẩn và chống viêm trong lá tía tô phát giúp chữa lành mụn cám, mụn trứng cá... (Ảnh: Internet)

1.5. Se khít lỗ chân lông và dưỡng da

Tương tự như cách trên, tinh dầu tía tô sẽ thấm sâu vào da để loại bỏ tế bào chết và các chất bẩn trong lỗ chân lông. Kết quả là bạn sẽ se khít lỗ chân lông trên mặt, giảm mụn và có được làn da trắng hồng, rạng rỡ mà mình vẫn hằng mong ước.

Để đẩy nhanh tiến độ chăm sóc da, bạn có thể tắm trắng, đắp mặt nạ và uống trà làm từ lá tía tô sau khi đã xông hơi xong.

2. Cách xông mặt bằng lá tía tô

Bước 1 (Chuẩn bị): Trước khi xông mặt bằng lá tía tô, nên làm sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ. Chuẩn bị thêm một chiếc thau sạch và bông tẩy trang hoặc khăn bông.

Trong trường hợp sử dụng tinh dầu tía tô: Thêm vài ba giọt tinh dầu tía tô vào nồi chứa 500ml nước, đun nhỏ lửa cho tới khi sôi. Khi nước sôi, tắt bếp để đổ ra chậu và để nguội bớt nếu cần thiết.

Trong trường hợp sử dụng lá tía tô tươi: Sơ chế khoảng 12-15 lá tía tô tươi bằng cách rửa sạch, rồi đun nhỏ lửa trong nồi có sẵn 500ml nước cho tới khi sôi. Khi nước sôi, tắt bếp, đổ nước ra chậu và để nguội bớt nếu cần thiết. Bạn có thể thêm muối biển và chanh sau cùng nếu muốn. Đối với thảo dược ban đầu, bạn có thể dùng riêng tía tô hoặc sử dụng cùng với sả và kinh giới.

Bước 2 (Xông mặt): Trùm khăn lên mặt và cúi sát vào chậu. Lưu ý giữ khoảng cách để tránh bị bỏng, và xông trong khoảng thời gian từ 15-30 phút.

Bước 3 (Chăm sóc da mặt sau khi xông): Dùng bông tẩy trang hoặc khăn bông thấm khô mặt. Đợi thêm khoảng 10 phút sau khi xông xong để da thư giãn trước khi rửa sạch mặt bằng nước mát. Sau đó, bạn có thể tiếp tục các bước chăm sóc da như bình thường.

Để tạo điều kiện cho quá trình xông mặt được thuận lợi, bạn có thể chọn mua cho mình một chiếc máy xông mặt để sử dụng mỗi khi cần thiết.

3. Một số lưu ý

Mặc dù xông hơi thảo dược có tác dụng cải thiện sắc đẹp và sức khỏe, thực hiện sai cách có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường. Hiểu được cách xông mặt bằng lá tía tô đã là quan trọng, nhưng biết được những điều nên làm trước và sau khi xông hơi còn quan trọng hơn. Sau đây là những điều bạn nên lưu ý để đảm bảo hiệu quả xông hơi cao nhất:

Tắm rửa trước và sau khi xông hơi: Làn da sạch sẽ, không có bụi bẩn sau khi tắm sẽ giúp tinh dầu lá tía tô thấm sâu và phát huy tác dụng hiệu quả hơn. Trong quá trình xông hơi, nên mang theo khăn bông để thấm mồ hôi và tránh để mồ hôi đọng quá lâu.

Tuyệt đối không tắm ngay sau khi vừa xông hơi xong: Làn da của bạn sẽ không thích nghi kịp thời với sự thay đổi nhiệt độ, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu về sức khỏe như cảm lạnh hay đột quỵ.

Thời gian xông hơi: Mục đích chính của xông hơi là để cơ thể tiết ra mồ hôi. Nếu quá trình này kéo dài, bạn sẽ dễ gặp phải hiện tượng tổn thương âm huyết hoặc suy nhược cơ thể do thiếu nước. Theo các chuyên gia, thời gian xông hơi lý tưởng là ở mức 15-30 phút/lần (bất kể có là xông hơi khô hay ướt).

Thể trạng khi xông hơi: Trước khi xông hơi, hãy giữ cơ thể bạn ở trạng thái thả lỏng và thoải mái nhất. Không được sử dụng rượu bia để đảm bảo nhịp tim đập đều, và tránh xông hơi sau khi ăn no để không gặp phải các vấn đề tiêu hóa.

Cung cấp nước cho cơ thể khi xông hơi: Bổ sung nước cho cơ thể sau khi xông hơi thảo dược là đặc biệt quan trọng. Để tránh các vấn đề về sức khỏe, chỉ nên uống nước nóng hoặc ấm. Các thức uống như trà gừng, chanh nóng hay nước ép hoa quả đều là những lựa chọn tốt.

4. Câu hỏi thường gặp

Xông mặt bằng tía tô có tác dụng phụ nào hay không?

Nhìn chung, lá tía tô tương đối an toàn khi sử dụng để xông hơi thảo dược. Tuy nhiên, những ai bị dị ứng với các thành phần của lá tía tô vẫn nên đổi sang loại thảo dược khác để tránh kích ứng da và gây phản tác dụng.

Nếu sử dụng tinh dầu tía tô để xông hơi, bạn nên chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tem đảm bảo đầy đủ. Như vậy bạn có thể yên tâm rằng mình sẽ không gặp phải vấn đề gì về sức khỏe do hàng kém chất lượng.

Trong quá trình xông mặt bằng lá tía tô, nếu bạn gặp phải bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, phải dừng việc xông hơi lại và đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo an toàn.

Xông mặt bằng lá tía tô bao nhiêu lần một tuần là hợp lý?

Như đã trình bày ở trên, thời gian lý tưởng cho từng lần xông hơi nằm ở mức 15-30 phút. Trong tuần, xông mặt với lá tía tô khoảng 2-3 lần sẽ phát huy tối đa được các tác dụng trong việc chăm sóc da và sức khỏe. Kiên trì thực hiện phương pháp này trong khoảng nửa tháng, bạn sẽ sớm nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực như da mềm, mịn, trắng hơn; mật độ mụn giảm rõ rệt, …

Để tiết kiệm thời gian, có thể chuẩn bị trước bằng việc đun nước từ sớm. Để đẩy nhanh tiến độ chăm sóc da, có thể sử dụng thêm mặt nạ hoặc các loại kem dưỡng sau khi xông mặt.

Trên đây là những thông tin bạn cần biết về việc xông mặt bằng lá tía tô. Bạn cũng nên lưu ý rằng việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Hãy thực hiện xông mặt bằng lá tía tô đúng, đủ và chuẩn để cảm nhận những thay đổi tích cực của cơ thể.

Tác giả: Đinh Đức Huy

Nguồn tin: phunuvietnam.vn