Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh không đến trường, phụ huynh Hà Nội đau đầu tìm cách trông con

Học sinh không đến trường do COVID-19 bùng phát trở lại khiến phụ huynh đau đầu tìm cách gửi con hoặc sắp xếp thời gian để trông nom.

20h tối 3/5, gia đình anh Nguyễn Văn Chung (Kim Giang, Hà Nội) vừa "tay xách nách mang" từ Thanh Hoá ra Hà Nội để kịp cho hai đứa con (con lớn lớp 5 và con nhỏ lớp 1) nghỉ ngơi để tới trường vào sáng hôm sau. Nhưng khi vừa ra đến nơi thì anh nhận được thông báo khẩn từ cô giáo chủ nhiệm rằng Hà Nội quyết định cho học sinh cấp mầm non, Tiểu học, THCS, THPT nghỉ học từ ngày 4/5 đến khi có thông báo mới. Học sinh chuyển sang học online để đảm bảo an toàn chống dịch.

Dù không phản đối thông báo trên, nhưng do thời điểm nhận thông tin muộn nên gia đình anh Chung lâm vào tình cảnh "không kịp trở tay", nháo nhào tìm cách gửi con. "Nếu biết việc nghỉ học của con sớm hơn thì vợ chồng tôi đã để hai đứa ở nhà với ông bà luôn, bây giờ gửi con thì lại phải sắp xếp thời gian, rồi khai báo y tế", anh nói.

Cứ mỗi đợt các con nghỉ học vì dịch thì sinh hoạt của cả gia đình lại xáo trộn và nảy sinh nhiều vấn đề như cần có người trông nom chăm sóc, sắp xếp thời gian cho con ôn bài.

Hai vợ chồng anh Chung là công chức nhà nước. Ông bà nội - ngoại đều ở xa, mức lương của hai vợ chồng không quá dư giả để thuê người trông con. Bài toán này thật sự khiến anh đau đầu mỗi đợt bùng phát dịch COVID-19.

Sáng nay, hai vợ chồng anh phải xin phép cơ quan cho con lớn đi làm theo bố và con nhỏ theo mẹ. Nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời. Nếu trường học tiếp tục cho nghỉ kéo dài, gia đình anh Chung sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” tìm người giúp việc trông con hoặc gửi về nhờ ông bà ở quê chăm giúp.

 Học sinh tự học tại nhà. (Ảnh minh hoạ: T.P)

Cùng hoàn cảnh như anh Đức, chị Nguyễn Hương Hòa (Cầu Bươu, Hà Nội) chia sẻ, bố mẹ ở tận Quảng Bình, nếu cho các con về ông bà thì xa quá. Nhà chị có hai cháu, một cháu lớp 2, một mẫu giáo. Trường của cả hai đứa đều cho nghỉ tránh dịch nên vợ chồng chị loay hoay chưa biết tính cách sao để trông con. Cuối cùng gia đình quyết định thuê giúp việc theo giờ để trong hai đứa, trong khi chờ ông bà sắp xếp công việc ở quê để lên Hà Nội đỡ đần.

Chị Hoà sắp xếp lịch thuê một bác giúp việc làm ca sáng từ 7h đến 11h và một người khác từ 13h đến 17h. Còn lại hai vợ chồng thay phiên nhau tranh thủ vừa đi làm, vừa chạy qua nhà.

"Ngặt nỗi nhà ở Cầu Bươu nhưng hai vợ chồng đều làm tận khu Ba Đình, cứ thế chạy đi chạy về cũng đã hết ngày, không kịp giải quyết được công việc. Đợt dịch nào hai vợ chồng chị cũng phải mang việc cơ quan về nhà tranh thủ xử lý", vị phụ huynh nói.

Chị Nguyễn Thị Linh, làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội hôm nay thức dậy sớm hơn mọi ngày, thay vì gọi các con dậy để chuẩn bị đến trường thì chị tất bật chuẩn bị bữa sáng và cả bữa trưa để sẵn trên bàn ăn cho các con. Do Hà Nội thông báo lịch nghỉ học quá muộn khiến chị không kịp gửi hai đứa con về quê nhờ ông bà chăm non, do đó, hai vợ chồng quyết định cho các con tự chăm nhau ở nhà.

Chị chuẩn bị cơm trưa cho các con và dặn chúng ăn lúc 11h. May mắn con trai lớn chị Linh đang học lớp 9, phần nào hiểu chuyện và biết quản lý cô em gái lớp 2. Chị thường xuyên dặn dò và ghi giấy nhớ dán khắp nhà để nhắc nhở hai con chơi đồ chơi và thi thoảng xem ti vi, tuyệt đối tránh xa các thiết bị điện và không mở cửa cho người lạ.

Chị Linh hiểu rằng, quyết định cho học sinh tạm nghỉ của thành phố Hà Nội là đúng, nhưng chị tiếc rằng nếu Hà Nội thông báo lịch nghỉ sớm hơn thì gia đình đã có phương án để hai con ở quê với ông bà.

Tác giả: HÀ CƯỜNG

Nguồn tin: vtc.vn