Nghi phạm bắn chết 2 người không bị còng tay, còn được cầm điếu thuốc: Có đúng luật?
- 09:18 04-05-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Công an lý giải việc không còng tay nghi phạm
Gần đây, hình ảnh nghi phạm Cao Trọng Phú trong lúc bị dẫn giải từ nhà riêng ra xe của lực lượng chức năng nhưng không bị còng tay, không những thế trên tay nghi phạm còn cầm điếu thuốc với thần thái khá bình thản khiến nhiều người đặt câu hỏi.
Ban Giám đốc Công an tỉnh họp nóng tại hiện trường và đề ra nhiều phương án để thuyết phục, khống chế và có thể là trấn áp bằng vũ trang nếu nghi phạm không đồng ý đầu hàng. |
Chia sẻ với báo chí về trường hợp trên, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, khoảng cách từ nhà nghi phạm ra xe của lực lượng chức năng rất gần. Việc còng tay nghi phạm sau khi bắt được chỉ nhằm đề phòng trường hợp đối tượng chống đối hoặc gây ra những việc ngoài ý muốn.
Thời điểm này, nghi phạm Phú đã chấp nhận giao nạp súng, đầu hàng và nghe theo lời vận động của lực lượng chức năng, của người thân. Hơn nữa, nghi phạm được cho đi giữa vòng vây của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người thân nên không xảy ra được việc chống đối.
Đại tá Phạm Hoài Nam - Phó Thủ trưởng thường trực cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm, việc không còng tay là để tạo tâm lý ổn định cho nghi phạm. Bởi sau nhiều giờ cố thủ, nghi phạm đã chấp nhận theo sự thuyết phục của công an, chấp nhận giao nộp vũ khí đầu hàng.
Từng có nhiều năm trong công tác điều tra, bắt giữ tội phạm nguy hiểm, một cán bộ điều tra kỳ cựu của Công an Hà Tĩnh chia sẻ trên báo Zing.vn, việc thực hiện còng tay với nghi phạm được sử dụng tùy vào tính chất, mức độ và phương án xử lý của từng vụ việc.
Trong trường hợp này, công an đang thuyết phục, trấn an tâm lý nghi phạm ra tự thú để phối hợp điều tra, chưa thực hiện lệnh bắt nên không có quy định phải còng tay hay không.
"Việc không còng tay cũng nhằm mục đích trấn an tâm lý, tạo sự tin tưởng nhằm đạt được sự phối hợp tốt nhất, tạo tâm lý thoải mái giữa nghi phạm với công an để đẩy nhanh quá trình điều tra, xác định nguyên nhân, hậu quả...", cán bộ này nói với Zing.
Lý giải dưới góc độ pháp lý
Trao đổi với PV báo Lao động, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, khi bắt người phạm tội quả tang, lực lượng bắt giữ sẽ tước vũ khí, khống chế và dẫn giải đến cơ quan công an để thực hiện các hoạt động tố tụng. Trong quá trình dẫn giải thì phải đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng và nhân dân địa phương.
Với vụ án mạng khiến hai người chết do bị bắn tại xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, với nghi phạm là Cao Trọng Phú, diễn biến cho thấy, khi lực lượng chức năng bao vây, ông ta chỉ cố thủ chứ không chống trả.
Khi bắt giữ ông Phú, cơ quan công an đã thu được vũ khí thu được là một khẩu súng AK vẫn còn một viên đạn đã lên nòng. Đây là một vụ án mạng, đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên qua hình ảnh cho thấy người đàn ông bị bắt giữ rất bình thản, vẫn vừa đi vừa cầm điếu thuốc và không có bị còng số tám, áp giải như các tình huống thông thường khác.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho hay, đây là trường hợp bắt người phạm tội quả tang.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, có quy định như sau:
"Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm: ....
d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;".
Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm chuẩn bị khiên chống đạn, áo chống đạn bên ngoài căn biệt thự trong quá trình vận động đối tưởng ra đầu thú. |
Như vậy, "khoá số tám" được xác định là công cụ hỗ trợ, việc sử dụng khóa số tám sẽ được thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trong trường hợp bắt quả tang hoặc bắt khẩn cấp thì còng tay là biện pháp nghiệp vụ chống sự chạy thoát của đối tượng để áp dụng các biện pháp điều tra chứ không phải vấn đề thủ tục tố tụng.
Bởi vậy, pháp luật không bắt buộc phải sử dụng khóa số tám để còng tay người bị bắt quả tang. Việc sử dụng khóa số tám sẽ phụ thuộc vào từ tùy vào tình huống cụ thể để đảm bảo an toàn cho những người bị bắt giữ, tránh việc đối tượng bỏ trốn và đảm bảo an toàn cho người dân địa phương.
Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, đối tượng sử dụng vũ khí quân dụng, đã bắn chết 2 người trước đó, phải mất rất nhiều thời gian mới vận động, thuyết phục được đối tượng đầu hàng, giao nộp vũ khí.
Tuy nhiên đối tượng đã nhiều tuổi; lại không có hành vi chống trả lực lượng chức năng; đã bị tước vũ khí; xung quanh có rất nhiều vòng cảnh sát bảo vệ, hỗ trợ; tâm lý của đối tượng lại chưa ổn định; có mặt trực tiếp của giám đốc công an tỉnh và lực lượng đặc nhiệm, dày dặn kinh nghiệm nên cơ hội bỏ trốn, chống trả của đối tượng này gần như không có, mức độ nguy hiểm của đối tượng này đã bị vô hiệu hóa.
"Vì vậy lực lượng chức năng không sử dụng khóa số 8, không xích, còng tay đối tượng là thể hiện tính nhân văn và phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Cường phân tích.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị