Trước đó, vào khoảng 9h ngày 30.4, do mâu thuẫn, Cao Trọng Phú (59 tuổi, trú xóm 7, xã Nghi Kim, TP. Vinh) đã nổ súng làm 2 người chết. Công an bao vây, phong tỏa hiện trường. Đại tá Phạm Hoài Nam - Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, đã trực tiếp vào nhà để thuyết phục thành công Cao Trọng Phú giao nộp vũ khí đầu hàng.
Người có bản lĩnh và chấp nhận nguy hiểm, rủi ro cao nhất là Đại tá Phạm Hoài Nam và ông đã thành công. Còn những người ở vòng ngoài, họ chỉ làm nhiệm vụ của họ một cách bình thường, không có gì quá khó khăn, nguy hiểm.
Liên quan đến vụ việc, sau khi khen thưởng, cần xem xét trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm của lực lượng công an nhân dân. Trên địa bàn TP. Vinh, lực lượng công an chính quy đã triển khai xuống xã đầy đủ, có hệ thống chính trị hoàn chỉnh đến tận thôn xóm. Tại sao để xảy ra vụ việc dân tàng trữ vũ khí nóng mà cơ quan chức năng không biết, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý từ đầu? Tại sao để xảy ra nổ súng làm 2 người chết làm người dân bất an, lo lắng? Trách nhiệm thuộc về ai, là câu hỏi cần làm rõ.
Theo nội dung trao đổi của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An với báo chí, ông Cao Trọng Phú có dấu hiệu bị bệnh hoang tưởng (thần kinh). Sao xã hội để cho bệnh nhân như vậy sống bình thường mà không có biện pháp chữa trị, người này lại còn tàng trữ súng đạn thì mức độ nguy hiểm càng cao, mà cơ quan chức năng không biết, không ngăn chặn sớm?
Từ vụ việc, nhiều câu hỏi được đặt ra: còn bao nhiêu người có dấu hiệu hoang tưởng, thần kinh mà chưa được chữa trị đúng quy định? Bao nhiêu người sở hữu vũ khí nóng trong cộng đồng? Trách nhiệm thuộc về ai? Có hay không tình trạng băng nhóm xã hội đen hoạt động, lộng hành? Công an cần làm gì, để bảo đảm cho dân có cuộc sống bình yên?
Đó là những bài toán cần lời giải từ cơ quan chức năng và lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An.