Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ 4 học sinh bị bắt quả tang dùng ma túy: Trẻ trượt dài vì "dính" nghiện

Vụ việc 4 học sinh dùng điếu cày hút ma túy ở Hải Dương xôn xao dư luận vừa qua dấy lên lo ngại: Rất nhiều nguy cơ có thể tấn công trẻ em độ tuổi học đường nếu không can thiệp kịp thời.

Trẻ "trượt dài" vì dính ma túy

Chia sẻ với PV, PGS.TS Trần Thành Nam kể lại câu chuyện một học sinh trượt dài và rơi vào vòng luẩn quẩn: Nghiện- trộm cắp- cai- tái nghiện- trộm cắp- vào tù"… chỉ vì "dính" vào ma túy.

Cụ thể nam sinh này bắt đầu hút thuốc lá năm lên 9 tuổi. Em bỏ học, tụ tập với bạn bè, lang thang trên phố cả ngày thay vì đến trường.

Ban đầu em hít "keo chó" từ không thường xuyên đến thường xuyên, cảm thấy thật thú vị và thời thượng.

Cậu bé bắt đầu dùng ma túy do bạn bè lôi kéo. Em thường nằm dài cả ngày tại nhà một người bạn trong hội để dùng ma túy, lúc đó cảm giác "phê" tột độ.

"Cậu bé cho tôi hay, đầu tiên em chỉ dùng ma túy vào những ngày cuối tuần khi cả nhóm đi "bay", sử dụng cùng với bia để thăng hoa hơn, nhảy sung hơn…

 4 học sinh bị bắt quả tang dùng ma túy ở Hải Dương. (Ảnh: Phương Thùy).

Sau một thời gian, cậu bắt đầu sử dụng hàng ngày, bắt đầu xoay sở để có tiền, bắt đầu ăn trộm, bị công an bắt, bố mẹ phải tới nộp phạt và lúc đó phát hiện thấy con sử dụng ma túy.

Bố mẹ đã đánh con rất dữ, bị cấm túc. Cậu cảm thấy căm thù và cho rằng, bố là người đạo đức giả vì bản thân ông ấy nghiện rượu nhưng lại nhất quyết phản đối con sử dụng ma túy.

Cậu bé dừng một thời gian nhưng cảm thấy rất buồn bã. Một người bạn khuyến khích thử dùng thuốc tiêm và thấy rất "phê", ngỡ như mình là siêu nhân, có thể làm mọi thứ", TS Thành Nam kể.

Chuyên gia này nhớ lại, năm 16 tuổi, cậu bé bắt đầu sử dụng thuốc tiêm. Bố mẹ đưa con đến rất nhiều bác sỹ nhưng chẳng ích gì. Họ bắt đầu chán nản và bỏ mặc. Cũng trong năm đó, cậu bỏ học, bỏ nhà lang thang với bạn, phạm tội, bị bắt và đi tù vài năm.

Ngày 25/4, Công an tỉnh Hải Dương bắt quả tang 4 học sinh dùng ma túy tại quán nước.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện học sinh sử dụng loại ma túy lỏng, mới xuất hiện trên thị trường.

Theo cơ quan điều tra, các em tẩm ma túy lỏng vào thuốc lào và dùng điếu cày để hút.

Mặc dù được cai nghiện trong tù nhưng sau khi ra trại 3 tháng, "ngựa quen đường cũ", cậu bé tái nghiện và vướng vào vòng tròn ma túy- trộm cắp- vào tù, cứ thế lặp đi lặp lại.

Cậu chia sẻ với tôi: "Cháu không cảm thấy dễ chịu với ma túy nữa. Cháu bị chìm trong cái vòng luẩn quẩn - dùng ma túy - ăn cắp - vào tù - cai - lại dùng ma túy... Cháu đã cố gắng để thoát khỏi nó nhưng không được".

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, những học sinh dùng ma túy mạnh, có thể nhận thấy ngay bởi các dấu hiệu rất rõ.

Tuy nhiên, hiện nay học sinh có xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, các chất gây ảo giác như thuốc lắc, sẽ khiến thay đổi nhận thức về thực tại, môi trường xung quanh, khiến người dùng có thể nghe nhìn thấy những sự việc không có thật, những ý nghĩ hoang tưởng…

Về lâu dài, các chất kích thích này dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng khi các em đang ở độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường.

 Học sinh tẩm ma túy lỏng vào thuốc lào và hút bằng điếu cày ở Hải Dương. (Ảnh: Phương Thùy).

Chất nghiện "núp bóng" dưới đồ ăn thức uống

Thời gian qua, nhiều vụ việc trẻ ngộ độc hoặc gây ảo giác do các em sử dụng chất lạ khi mua từ hàng quán cạnh cổng trường.

PGS Thành Nam cho rằng, trong đó rất có thể là chất kích thích độc hại, núp bóng các sản phẩm ăn uống dành cho học sinh.

Ma túy được pha vào đồ uống trở thành "nước vui", "trà sữa", "nước biển" trở thành đồ ăn như "bánh lười" "kẹo mút", thành một dạng đồ chơi như "tem giấy", "bùa lưỡi"... mà có thể chính các tiểu thương cũng như nhà trường, gia đình và học sinh không nhận thức được.

Trên truyền thông đại chúng, nhiều vụ "ngáo đá", gây rối trật tự xã hội, cố ý gây thương tích và thậm chí giết người đã xảy ra, trong đó có cả trẻ vị thành niên do sử dụng chất kích thích.

Tại sao các bạn trẻ, đặc biệt học sinh dễ bị dẫn dụ vào việc sử dụng ma túy? Theo PGS. TS Trần Thành Nam, có thể các em có niềm tin sai lầm về việc sử dụng các loại ma túy chỉ vô hại như thuốc lá, một chất gây hưng phấn, một cách thể hiện sự sành điệu của bản thân, một trò chơi không gây nghiện.

Bên cạnh đó, tâm lý tò mò, mạo hiểm, thích cảm giác lạ của lứa tuổi thanh thiếu niên thôi thúc các em "thám hiểm" trò chơi nguy hại này.

Một số em vì chơi với nhóm bạn xấu, chịu áp lực phải tuân thủ theo những quy luật ngầm của nhóm nên các em hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất kích thích vì "nể" bạn hoặc để được các bạn chấp nhận vào nhóm.

Đặc biệt hiện nay, giới trẻ có khuynh hướng bắt chước người lớn dùng rượu, thuốc lá, ma túy... để tự khẳng định mình trưởng thành.

Một lý do ngoài mong muốn, trong hơn 1 năm đối diện với dịch Covid-19, dường như nhiều gia đình xao lãng các nguy cơ an toàn khác với trẻ.

Một số gia đình lơ là giáo dục, thậm chí còn che dấu việc sử dụng chất kích thích của con em, quá chiều chuộng con cái, cộng với công tác quản lý ở các trường học không chặt chẽ khiến một số trẻ buông thả.

Để bảo vệ học sinh khỏi cám dỗ, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ, đối với những học sinh đã sử dụng chất kích thích, cần sử dụng các liệu pháp tâm lý tập trung; lôi kéo các thành viên gia đình tham gia ngăn ngừa các em tái sử dụng ma túy; lôi kéo sự tham gia của bạn bè, giúp học sinh đó thư giãn, cân bằng cuộc sống.

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí