Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hư hỏng thường gặp khi ô tô bị ngập nước và cách xử lý

Những hư hỏng thường gặp khi ô tô di chuyển qua vùng ngập nước là gì? Làm cách nào để phòng tránh và xử lý hiệu quả nhất?

Hà Nội: Hàng loạt ô tô "chìm" trong dòng nước sau cơn mưa lớn

Hàng loạt ô tô đỗ tại tuyến đường cạnh khu chung cư Ecohome 3 phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm bị ngập trong nước sau cơn mưa lớn rạng sáng 26/4.

Cụ thể, sáng 26/4, người dân bất ngờ phát hiện hàng chục xe ô tô đỗ trên tuyến đường nằm cạnh chung cư Ecohome 3, phường Đông Ngạc bị ngập trong nước.

 

Thực tế cho thấy, khi ô tô bị ngập nước trong những trường hợp như vậy sẽ xảy ra rất nhiều hư hỏng. Tuy nhiên thường gặp nhất đó là những "căn bệnh" sau đây. Người lái xe nên nắm rõ để có biện pháp đề phòng cũng như xử lý khi gặp phải tình trạng tương tự:

1. Thủy kích

Thủy kích luôn là nỗi lo lắng cho hầu hết các tài xế khi đi qua vùng ngập nước, đặc biệt là các vùng có nước ngập quá tâm bánh xe. Thủy kích rất tai hại và là một trong những sự cố rất tốn kém để sửa chữa.

Thủy kích là hiện tượng nước đi vào trong xylanh động cơ qua đường nạp (đường hút gió), nước khi đi vào trong xylanh sẽ làm nhiên liệu không thể cháy được dẫn đến chết máy.

Nếu tài xế vẫn tiếp tục cố gắng nổ máy thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Lúc này Piston đi lên rất nhanh, nước sẽ tranh thủ lúc đường nạp mở để đi vào xylanh động cơ nhiều hơn. Điều này sẽ làm cho hiện tượng thủy kích trên xe chở nên nặng và khó khắc phục hơn.

Đặc tính của chất lỏng (nước) là không thể bị nén, mặc dù piston vẫn đi lên với vận tốc và lực rất lớn. Lực cản trở cực lớn sinh ra từ lượng nước có trong buồng đốt động cơ sẽ làm tay biên bị cong vênh hay thậm chí là gãy, trục khuỷu bị cong vênh, xupap và mặt máy cũng bị hư hại nặng nề,...

So với động cơ xăng, động cơ diesel dễ bị thủy kích và hư hỏng nặng hơn. Lý do là vì động cơ diesel có tỉ số nén cao hơn, buồng cháy nhỏ hơn nên lượng nước lọt vào động cơ ít cũng có thể gây thủy kích.

Chi phí để thay thế phục hồi động cơ xe hơi bị thủy kích rất đắt, dao động từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

 

Do vậy, khi lỡ di chuyển vào vùng ngập nước sâu, nên làm gì để tránh bị thủy kích?

Trong trường hợp nhận định khu vực nước ngập quá sâu, tuyệt đối không được khởi động máy. Cũng không nên mở cửa xe vì nước cao hơn thành cửa sẽ tràn vào trong cabin, gây hư hỏng các hệ thống điện và nội thất. Chi phí sửa chữa lại càng tốn kém.

Nếu xe bị chết máy giữa vùng ngập nước, hãy đứng yên tại chỗ, gọi điện cho cứu hộ ô tô, cung cấp đầy đủ thông tin để được hỗ trợ.

 

Tắt điều hòa giúp giảm tải cho động cơ, tránh việc quạt gió bắn nước lên họng hút gió, đồng thời tránh việc hư hỏng quạt do quấn phải rác thải hoặc nặng do lực cản nước.

Với xe số sàn, về số 1 và tuyệt đối không đạp côn khi đang chạy qua chỗ ngập để tránh bị tắt máy giữa chừng. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động để tránh tình trạng xe tự chuyển về số thấp khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô.

Từ tốn chạy qua vùng ngập. Giữ đều ga và duy trì vòng tua máy phù hợp. Lưu ý tránh xe cùng chiều hoặc ngược chiều bởi nó có thể tạo sóng, khiến nước dâng cao hơn và tràn vào hệ thống hút gió.

2. Hư hỏng hệ thống nhiên liệu

Theo các chuyên gia cơ khí động lực, việc nước mưa lọt vào hệ thống nhiên liệu là do bạn nạp nhiên liệu khi thời tiết đang mưa hoặc hệ thống nhiên liệu không được nắp chặt dẫn đến việc nước mưa theo vào đường dẫn. Ngoài ra, khi đi vào đoạn đường ngập nước quá cao cũng khiến tình trạng này xảy ra.

Khi bị lọt nước vào bình nhiên liệu, ô tô có thể xuất hiện hiện tượng như máy rung giật mất công suất, có tiếng kêu lớn từ động cơ, xe đang chạy bị tắt máy, lúc này không nên cố nổ máy lại mà liên lạc với các trung tâm chăm sóc xe để đưa xe về kiểm tra.

3. Hư hỏng hệ thống điện

Đây là hư hỏng rất thường xuyên xảy ra đối với những xe di chuyển trên địa hình ngập nước nhiều lần và trong thời gian dài.

 

Hệ thống dây điện và các đầu cắm chạy quanh thân xe, ở khu vực bệ trung tâm rất dễ bị chập và cháy khi còn đọng nước bên trong. Các giắc nối cần được kiểm tra lại và xịt khô để đảm bảo độ tiếp xúc. Cánh cửa xe bị ngập sâu sẽ đọng rất nhiều nước bên trong, ảnh hưởng đến hoạt động của các loa và dây dẫn, vì vậy quá trình vệ sinh phục hồi nội thất xe cũng không thể bỏ qua khu vực này.

Tác giả: Bảo Việt

Nguồn tin: Báo Tiền Phong