PGS.TS Đỗ Văn Dũng: “Chọn hiệu trưởng là Quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý”
- 08:28 25-04-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (trái) tư vấn hướng nghiệp cho HS. Ảnh: FBNV. |
Ngay sau khi Hội đồng trường ban hành nghị quyết và đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận chức vụ Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) nhiệm kỳ 2020-2025 đối với PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh dư luận đã có ý kiến trái chiều, cho rằng có sự thiếu minh bạch. Theo đó, nhân sự được chọn thấp phiếu dưới 50% ở bước 2 nhưng lại được cao phiếu ở bước 3 được xem là một trong những nguyên nhân.
Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng đương nhiệm HCMUTE.
Nội dung nghị quyết mới ban hành của Hội đồng trường HCMUTE |
- Là hiệu trưởng đương nhiệm, ông thấy thế nào xung quanh những ý kiến trái chiều về việc bầu chọn hiệu trưởng của nhà trường vừa qua?
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Mấy hôm nay có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc “bầu Hiệu trưởng” của nhà trường, nhưng việc đầu tiên tôi khẳng định, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là trường ĐH công lập nên việc quyết định nhân sự hiệu trưởng là quy trình mà cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm làm quy trình bổ nhiệm Viên chức quản lý, chứ không phải là Quy trình bầu Hiệu trưởng.
Chính vì đây là Quy trình bổ nhiệm nên phải thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục bổ nhiệm Viên chức quản lý quy định trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP ban hành ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý Viên chức, chứ không thực hiện theo Quy chế Bầu cử.
Dư luận có nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề này có lẽ do hiểu lầm đây là Quy trình bầu Hiệu trưởng và do chưa tìm hiểu rõ quy trình Bổ nhiệm viên chức Quản lý (ở đây là Hiệu trưởng) được quy định trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP, do đây là một quy định mới được ban hành.
- Một số ý kiến thắc mắc về quy trình 7 bước bầu hiệu trưởng, cụ thể ở Bước 2 PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh (Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy) thấp phiếu hơn PGS.TS Lê Hiếu Giang (Phó Hiệu trưởng) và không đủ trên 50% số phiếu bầu, thế nhưng vẫn được chọn giới thiệu ở Bước 3? Vậy, liệu có khuất tất ở bước thứ 2 và bước thứ 3?
- Trong quy định của Nghị định 115/2020/NĐ-CP, bước 2 và bước 3 đều là các bước giới thiệu nhân sự, chỉ khác nhau là bước giới thiệu do hai tập thể khác nhau giới thiệu. Ở bước 2 là do Tập thể lãnh đạo mở rộng, và bước 3 là do Tập thể lãnh đạo nhà trường giới thiệu.
Chính vì lý do đó trong quy định của Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP nêu rõ ở bước 3 “Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên lãnh đạo giới thiệu 1 người cho một chức vụ trong số nhân sự được giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định”.
Việc tập thể lãnh đạo và tập thể lãnh đạo mở rộng có các đánh giá khác nhau dẫn đến kết quả giới thiệu khác nhau là hết sức bình thường, không có gì là “bất thường”.
Cũng chính vì kết quả giới thiệu của bước 2 và 3 khác nhau là vấn đề bình thường nên Nghị định 115/2020/NĐ-CP đã quy định rõ: “Trường hợp nếu kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo”.
Cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm ở đây đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học là Hội đồng trường. Do đó, khi có kết quả giới thiệu khác nhau giữa hai hội nghị, Hội đồng trường đã cho ý kiến chỉ đạo bằng phiếu kín. Kết quả phương án theo chỉ đạo của Hội đồng trường được đưa vào lấy Phiếu tín nhiệm ở bước 4.
Ở đây, tôi muốn nói rõ là trong quy trình Bổ nhiệm viên chức quản lý mỗi bước trong quy trình đều có ý nghĩa quan trọng như nhau và mang các ý nghĩa khác nhau, bước 2 và bước 3 là hai bước giới thiệu nhân sự (có thể cho kết quả độc lập); bước 4 là bước lấy phiếu tín nhiệm, bước 5 là bước quyết định nhân sự.
Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác nhân sự, nhân sự phải được Đảng ủy biểu quyết thông qua (bước 6). Do đặc thù riêng của các trường đại học, thẩm quyền quyết định Hiệu trưởng là của Hội đồng trường nên nhân sự phải được sự đồng ý của trên 50% trên tổng số thành viên Hội đồng trường (bước 7).
Nghị định 99/2019/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2019 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học tại Điểm a Khoản 6 Điều 7 có quy định: “(a) Thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học, phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật có liên quan”.
Căn cứ trên 2 Nghị định trên và Luật Giáo dục Đại học, thủ tục quyết định Nhân sự Hiệu trưởng gồm 7 bước đã được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của HCMUTE, được Hội đồng trường thông qua tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐT Ngày 08/1/2021. Kế hoạch thực hiên quy trình quyết định nhân sự Hiệu trưởng đã được nhà trường báo cáo lên Bộ GD&ĐT. Ngày 12/4/2021, nhà trường thực hiện Quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng dưới sự kiểm tra, giám sát của đại diện Ban cán sự Đảng, Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ GD&ĐT), đại diện Thường vụ Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng TPHCM.
Một lần nữa, tôi khẳng định việc thực hiện Quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng ở HCMUTE thực hiện đúng quy định pháp luật, minh bạch không có khuất tất. Dư luận có thắc mắc này nọ có lẽ do hiểu lầm đây là Quy trình bầu Hiệu trưởng nhưng thực chất đây là quy trình Bổ nhiệm viên chức Quản lý.
- Có ý kiến cho rằng, trong quy trình của nhà trường có quy định nếu bị thấp phiếu dưới 50% ở Bước 2 thì không giới thiệu ở Bước 3, vậy thực hư chuyện thế nào?
- Bước 2 là lấy thư giới thiệu cho các bước tiếp theo chứ không phải bỏ phiếu. Điều 46 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ghi rõ tập thể lãnh đạo ở bước 3 có thể chọn bất kỳ ai (miễn trong quy hoạch) bằng phương thức bỏ phiếu kín. Hoàn toàn không có đề cập người dưới 50% thì không được bỏ phiếu. Tập thể lãnh đạo cũng có thể chọn ông Lê Thanh Phúc (0 phiếu) hoặc ông Ngô Văn Thuyên (0 phiếu) là 2 người không có ở bước 2.
Quyền quyết định lớn nhất ở đây là Đảng ủy và Hội đồng trường. Hội đồng trường gồm các đại cử tri đại diện cho toàn thể CBVC vì họ được bầu để thay thế toàn thể chọn hiệu trưởng. Trong đó, còn có một số chi tiết tế nhị mà tôi không tiện đề cập là tại sao Đảng ủy và Hội đồng trường chọn người này mà không chọn người kia. Cũng nên lưu ý là theo luật GDĐH và Nghị định 99 đã chỉ rõ: đối với các cơ sở GD bao gồm cả Thường vụ đảng ủy.
- Ở đây cho thấy có sự không đồng thuận giữa kết quả phiếu bầu của tập thể lãnh đạo trường mở rộng (gồm lãnh đạo trường và các phòng khoa ban ở Bước 2) và kết quả phiếu bầu của tập thể lãnh đạo trường (Bước 3). Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Theo ý kiến của tôi, vấn đề này hết sức bình thường. Như tôi đã nói ở trên, việc 2 tập thể lãnh đạo có các đánh giá khác nhau dẫn đến kết quả giới thiệu khác nhau là việc hết sức bình thường, không có gì là “bất thường”.
Trong Quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng, trách nhiệm của Tập thể lãnh đạo rất nặng nề nên Tập thể lãnh đạo nhà trường rất cân nhắc trong việc giới thiệu, quyết định nhân sự nhằm chọn được nhân sự thực sự có Đức, có Tài, có Tầm nhìn, nhằm lãnh đạo nhà trường ngày càng phát triển.
- Cám ơn ông!
Tác giả: Như Ý (Thực hiện)
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại