Tiểu thương đóng quầy vì người tiêu dùng miền Trung 'e ngại' với thịt trâu bò
- 15:27 19-04-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người né tránh, người e dè
Đã gần 2 tháng nay, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò bùng phát diện rộng trên địa bàn các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh. Tâm lý lo lắng, e dè khiến không ít người tiêu dùng đã “quay lưng” với loại thịt này. Điều này đã khiến cho hàng loạt quầy hàng bán thịt trâu, bò tại các chợ dân sinh ở các địa phương này 'treo quầy', tạm nghỉ bán. Trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng, nhiều người dân tỏ ra lo lắng sẽ gây hại cho sức khỏe và cho rằng nên nghỉ ăn một thời gian đến khi hết dịch để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.
Sức mua giảm mạnh khiến hoạt động kinh doanh thịt trâu, bò tại chợ Quán Lau - TP. Vinh (Nghệ An) lâm vào cảnh ảm đạm, thậm chí một số tiểu thương đã phải “treo quầy”, tạm nghỉ bán |
Tuy nhiên, việc không hiểu rõ cơ chế gây bệnh, đề phòng quá mức dẫn đến loại bỏ hoàn toàn thịt trâu, bò trong bữa ăn gia đình và chỉ sử dụng các loại thực phẩm khác đã làm ảnh hưởng lớn tới những người kinh doanh mặt hàng này. Theo khảo sát của PV, sức mua thịt bò tại một số chợ dân sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh giảm đáng kể, người bán than ế ẩm, khó bán trong thời gian gần đây.
Chị Trần Thị Hoa - một tiểu thương ở chợ Quán Lau, P. Trường Thi, TP. Vinh (Nghệ An) cho biết, từ ngày có thông tin bệnh nổi cục ở trâu bò xuất hiện ở địa phương, lượng thịt bán ra hàng ngày của chị giảm nhiều so với trước kia. “Ngày trước, tôi bán nửa ngày được 90 - 100kg thịt bò, nhưng một tháng trở lại đây chỉ tiêu thụ được 15 - 20kg. Buôn bán ế ẩm - có khi ngồi cả ngày chỉ bán được vài kg, nên khá nhiều quầy tạm đóng chờ dịch lắng xuống vì thịt bò nếu bán không hết là lỗ ngay”, chị Hoa cho biết. Cũng theo chị Hoa, Nhà nước đã có hỗ trợ người dân tiêu hủy đối với trâu, bò có bệnh, dại gì đi mua thịt bệnh để bán cho người tiêu dùng, làm thế sẽ mất hết khách quen. Chị Hoa cũng khẳng định thịt bò của chị không bị nhiễm bệnh. Nhà chị tự mổ và bán nên đảm bảo chất lượng. Thời gian này, chỉ có những người quen biết mới tin tưởng thì mua thường xuyên, còn người lạ thì ít khi ghé vào mua.
Người bán thì “than trời” vì ế ẩm, còn người tiêu dùng cũng có nhiều e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe dù biết bệnh viêm da nổi cục không lây lan sang người.
Bà Phan Thị Hòa (TT. Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Dù biết bệnh dịch không lây nhiễm sang người, tôi và gia đình vẫn nhất quyết không dùng sản phẩm làm từ thịt trâu, bò. Tôi có suy nghĩ nếu trâu, bò nhiễm bệnh thì người ăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, từ khi biết tin, gia đình tôi không mua hay ăn bất kỳ sản phẩm nào từ loại thịt này...”. Không chỉ bà Hòa, không ít người cũng có chung suy nghĩ phòng còn hơn tránh nên họ quyết định từ chối thịt trâu, bò và các sản phẩm làm từ loại thịt này.
Nhiều nhà hàng, quán ăn cũng phải giảm lượng hàng nhập về hoặc cắt hẳn loại thực phẩm này ra khỏi thực đơn. Anh Nguyễn Văn Dũng - chủ quán phở tại TP. Vinh (Nghệ An) cho hay: “Quán tôi bán phở bò, đợt này do dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nên người dân đến quán ít hẳn. Bình thường, trung bình một ngày quán lấy từ 10 - 13kg bò các loại thì nay chỉ lấy về khoảng 1/3”. “Những ngày này, không chỉ tôi mà các tiểu thương khác cũng đều buôn bán cầm chừng. Trước đây, sức tiêu thụ lớn thì buôn nhiều, giờ có dịch nên người tiêu dùng có hạn chế ăn các món ăn từ thịt bò nên lượng bán ra không đáng kể. Nhưng vì theo nghề lâu năm, chỉ vì dịch bệnh mà bỏ, không buôn nữa thì chúng tôi cũng không biết phải làm gì để kiếm sống. Hy vọng người dân hiểu đúng về dịch bệnh để không còn e dè khi lựa chọn thịt trâu, bò”, chị Nguyễn Thị Nhung - Tiểu thương chợ Vinh Tân (TP. Vinh) buồn bã nói.
Tại một số siêu thị lớn ở Nghệ An, Hà Tĩnh giá thịt bò cũng có giảm so với thời điểm trước và sau Tết. Chị Giang - nhân viên một siêu thị ở TP. Vinh cho biết, gần cả tháng nay, phần lớn khách hàng đến siêu thị đều lựa chọn mua thịt lợn, gà… các sản phẩm khác chứ rất ít khách "hỏi thăm” đến thịt bò.
Không nên “tẩy chay” thịt trâu, bò có nguồn gốc rõ ràng
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại virut thuộc họ Poxviridae gây ra. Virut này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người, vì vậy, người tiêu dùng không nên hoang mang, quay lưng với thịt trâu, bò. Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt bò tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, lăn dấu, dán tem kiểm định theo quy định pháp luật.
Hiện nay, các địa phương tại 2 địa phương này đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng dịch bệnh trên địa bàn. Hàng nghìn liều vaccine đã được nhập về, tiến hành tiêm phòng ở các điểm “nóng”. Cùng đó, công tác kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa lưu thông thị trường của các cơ quan chức năng như lực lượng quản lý thị trường, ngành thú y từ các lò mổ để cung ứng thịt ra thị trường cũng được chú trọng hơn nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn cho người tiêu dùng.
Người dân ngại sử dụng thịt bò khiến hoạt động mua bán loại thực phẩm này trên thị trường miền Trung giảm mạnh |
Ông Nguyễn Hữu Phượng - lò giết mổ gia súc tại xã Nghi Phú (TP. Vinh) - cho biết: “Thời gian này, quy trình kiểm tra sức khỏe gia súc, kiểm soát giết mổ, chất lượng thịt luôn có sự giám sát của cán bộ kiểm dịch. Bò được nhập về và lưu lại để kiểm tra lâm sàng các dấu hiệu về sức khỏe, nguồn gốc sau đó mới tiến hành giết mổ.
Tiểu thương khi lấy thịt được xuất biên lai thu phí kiểm soát giết mổ để chứng minh sản phẩm được kiểm soát nguồn gốc. Vì thế, người dân có thể yên tâm sử dụng thịt tại lò mổ xuất ra các chợ dân sinh, điểm kinh doanh khi đã qua kiểm dịch, có đóng dấu của cơ quan chức năng...”, ông Phượng cho biết thêm.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân để tránh mua phải thịt trâu, bò nhiễm bệnh, người tiêu dùng nên lựa chọn, sử dụng thịt trâu, bò sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định, an toàn, chế biến hợp vệ sinh. Khi mua, người dân cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như: Nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh…
Để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên thực hiện các biện pháp an toàn như ăn chín, uống sôi, lựa chọn thịt có nguồn gốc tại siêu thị, chợ dân sinh, có dấu kiểm dịch, phiếu kiểm dịch, tránh các điểm kinh doanh hàng rong dọc đường.
Sau quá trình tập trung thực hiện phòng chống dịch nổi cục ở trâu bò, đến nay, tại hơn 115.300/145.900 con trâu, bò của 13/13 huyện, thị xã, thành phố tại Hà Tĩnh (đạt gần 80%) đã được tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục.
Tại Nghệ An, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi & Thú y đã phân bổ trên 200.000 liều vaccine viêm da nổi cục để các địa phương đồng loạt tiêm phòng. Tỉnh Nghệ An cũng đã cấp 13.000 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tác giả: Hoàng Trinh
Nguồn tin: Báo Công Thương