Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nguyên nhân khiến Việt Nam có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19

Bộ Y tế nhận định dịch Covid-19 ở Việt Nam vẫn rất phức tạp do tình trạng nhập cảnh trái phép tại biên giới, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ, gia tăng.

Đây là nhận định của Bộ Y tế tại cuộc họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 với 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố sáng 16/4.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã qua 22 ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Hà Nội đã 60 ngày không ghi nhận ca mới, TP.HCM là 64 ngày, Hải Phòng là 53 ngày và Quảng Ninh là 66 ngày. Các ca mắc mới ghi nhận hàng ngày đều là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định dù kiểm soát tốt tình hình, ngăn chặn kịp thời nhiều đợt dịch, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trở lại tại nước ta vẫn luôn thường trực. Đặc biệt tại khu vực Tây Nam Bộ, tình trạng nhập cảnh trái phép gia tăng.

Bên cạnh đó, một số quốc gia có đường biên giới giáp với Việt Nam có số lượng ca nhiễm tăng cao trong thời gian gần đây như Campuchia và Thái Lan. Trong đó, Thái Lan đã xuất hiện đợt bùng phát dịch thứ 3, liên quan ổ dịch ở các quán rượu tại thủ đô Bangkok, hiện lây lan ra 70 tỉnh của nước này.

Ở Campuchia, riêng từ ngày 20/2 đến nay, nước này đã ghi nhận thêm 4.341 ca mắc Covid-19. Trong đó, số ca tăng đột biến trong 5 ngày vừa qua với gần 2 nghìn trường hợp. Đặc biệt, vào ngày 9/4, Campuchia ghi nhận 576 ca mắc mới, cao hơn cả tổng số trường hợp nhiễm trong năm 2020 (khoảng 500 ca).

 Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho người dân trong khu cách ly. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Bộ Y tế nhận định nguy cơ bùng phát dịch trở lại có thể là do tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng. Tình trạng nhập cảnh trái phép tại các biên giới đường mòn, lối mở khó kiểm soát rất dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Việc quản lý không tốt người nhập cảnh hợp pháp; kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thực chất cũng khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng. Bộ Y tế nhận định mầm bệnh có thể còn trong cộng đồng cũng là yếu tố nguy cơ.

Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cần thực hiện nghiêm việc quản lý những trường hợp nhập cảnh, giám sát, cách ly phù hợp, đặc biệt là khi triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" hoặc nới lỏng hạn chế trong đi lại quốc tế.

Việc xem xét phê duyệt các trường hợp xin nhập cảnh hợp pháp cần kiểm soát chặt chẽ theo đúng đối tượng đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho phép.

Vấn đề quan trọng khác là siết chặt kiểm soát khu vực biên giới đường biển, cửa khẩu đường bộ, đặc biệt là đường mòn, lối mở, để ngăn chặn kịp thời. Các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức vi phạm và tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép cần phải xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, rà soát, thống kê đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí vaccine Covid-19 gửi về Bộ Y tế trước ngày 15/4. Các tỉnh phải hoàn thành tiêm vaccine đợt 1 trong tháng 4 và đợt 2 trước ngày 15/5. Đặc biệt, bộ yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được để vaccine hết hạn mà người dân không được tiêm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến nay, thế giới ghi nhận trên 138 triệu ca mắc mắc, hơn 2,9 triệu người tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi ngày ghi nhận trên 600 nghìn ca mắc mới. Tình hình dịch trên thế giới có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tiếp theo. Nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.

Tác giả: Phương Mai

Nguồn tin: zingnews.vn