Nghệ An: Kiếm tiền triệu từ con... "trơn tuột"
- 13:08 16-04-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ống trúm làm bằng ống nhựa, mỗi cái chỉ mất tầm khoảng 4.000 - 5.000 đồng nhưng dùng được trong nhiều năm. |
Đã thành thông lệ, vào khoảng 16h chiều hàng ngày, vợ chồng anh Trần Văn Phùng (SN 1976) chị Trần Thị Giang (SN 1983, xóm Trung Hồng xã Nhân Thành huyện Yên Thành, Nghệ An) lại lên đi xe máy chở theo 3 bao đựng 180 ống trúm ra những cánh đồng để hành nghề bắt lươn.
Trước đây anh Phùng làm nghề phụ hồ. Công việc nặng nhọc nhưng trung bình mỗi ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng. Vợ anh là chị Giang ở nhà làm nông, nuôi 2 con nhỏ nên tiền chi phí trong gia đình chỉ trông chờ vào đồng tiền công của anh.
|
Mồi nhử được làm từ giun đất, ốc bươu vàng... bằm nhỏ trộn lẫn với bùn non tạo nên thứ mùi đặc trưng. |
Vất vả đã đành, công việc lại thất thường nên anh đã bỏ nghề phụ hồ về học cách thả lươn đồng để bán.
"Trong làng, tôi thấy người dân thả trúm bắt lươn rất nhiều và có thu nhập tương đối ổn định. Qua tìm hiểu thì nghề này cũng cho thu nhập ổn định và chủ động được thời gian, lươn bắt được thì thương lái tìm đến nhà mua và trả tiền ngay. Sau khi học hỏi vợ chồng tôi quyết định hành nghề", anh Phùng cho biết.
Theo anh Phùng, chi phí để làm ra một ống trúm không đắt, mỗi cái chỉ mất khoảng 4.000 - 5.000 đồng mà dùng được trong nhiều năm.
Mồi được quyệt vào chiếc tôi trước khi bỏ vào ống trúm. |
Để bắt được lươn, bước đầu tiên vợ chồng anh phải chuẩn bị là mồi nhử. Đây là bước quan trọng để có thể bẫy được lươn. Nắm bắt được đặc tính của con lươn thích ăn những loại mồi có mùi tanh, đặc biệt khoái khẩu với loài giun đất và ốc bươu vàng.
Sau đó sẽ bằm nhỏ trộn lẫn với bùn non tạo nên thứ mùi đặc trưng tanh nồng, loại mồi này chỉ cần phết nhẹ phía đuôi nắp, sau đó đậy vào miệng trúm rồi đem ra thả ngoài bờ ruộng hoặc mương nước.
Chiếc xe máy là phương tiện anh Phùng dùng để chở đồ nghề. Trung bình mỗi ngày anh thả 180 - 200 chiếc trúm. |
Sau khi chuẩn bị xong, ống trúm sẽ được cho vào bao đựng, trung bình mỗi bao đựng được khoảng 60 - 65 ống rồi đem ra đồng để thả. Theo anh Phùng, bây giờ nghề này cũng rất nhiều người làm nên trước khi thả trúm phải chọn địa điểm lạ, ít người thả.
"Khi thả phải dùng tay rút từng ống trúm thả xuống cạnh bờ mương hoặc ruộng lúa. Mỗi ống cách nhau chừng 3 m, phần miệng trúm thì anh cho một đầu chúi xuống, một đầu ngóc lên để khi lươn vào bẫy sẽ có không khí thở khỏi bị chết", anh Phùng bật mí.
Ống trúm thường được thả xuống cạnh bờ mương hoặc ruộng lúa nơi có nhiều lươn cư trú. |
"Bên cạnh đó, Con lươn rất ham ăn chất tanh. Vì thế mồi nhử là giun đất trộn với bùn mà ốc bươu. Những loại này băm nhuyễn trộn lại với nhau, sau đó dùng nắp đậy quệt vào bên trong miệng ống trúm. Khi thả ống trúm xuống nước, vào ban đêm lươn ở trong hang hoặc dưới bùn chui lên đi kiếm ăn, ngửi được mùi tanh sẽ tìm đến chui vào trúm để ăn", anh Phùng cho biết thêm.
Đến khoảng 4 -5h sáng hôm sau, những ống trúm được thả xuống sau 1 đêm nằm dưới nước được anh Phùng quay trở lại lấy lên cho vào bao đựng. Nhờ cách dụ này mà trung bình mỗi ngày thả ống trúm, anh Phùng bắt được từ 5-6 kg lươn. Với giá bán lươn đồng 120.000 đồng/kg, anh thu về từ 500.000 - 800.000 đồng/ngày.
Khi thả, cho miệng trúm một đầu chúi xuống, một đầu ngóc lên khi lươn vào sẽ có không khí để thở. |
"Mỗi sáng, thương lái đến tận nhà thu mua, trả tiền tươi nên mấy năm nay vợ chồng tôi luôn có đồng ra đồng vào hàng ngày mà không phải chật vật vay mượn hàng xóm như trước đây. Công việc này cũng không nặng nhọc, chỉ tranh thủ hồi buổi chiều và sớm mai nên có thể làm được một số công việc vặt khác", chị Giang chia sẻ.
|
Sản phẩm thu được sau quá trình thả trúm |
Tác giả: Nguyễn Tú
Nguồn tin: Báo Dân trí