Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Chưa bao giờ dạy học lại trở thành nghề nguy hiểm như bây giờ'

TS Trịnh Thị Thu Tuyết nêu quan điểm cần trả lại cho người thầy vị thế xứng đáng. Chưa bao giờ, vai trò, vị thế người thầy bị hạ thấp đến thế như trong cộng đồng xã hội hiện nay.

Có quá nhiều những việc cần làm ngay cho giáo dục Việt Nam hiện nay, tôi không dám hy vọng nhiều về tính khả thi của những việc đó.

Giáo dục cũng như bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội không tồn tại độc lập, nó luôn bị chi phối bởi rất nhiều ràng buộc, liên quan các lĩnh vực khác trong cả hệ thống. Cho nên, tôi chỉ coi đây là một vài mong muốn, đợi thời gian và cơ hội.

Chất lượng nhà giáo

Thứ nhất, cần trả lại cho người thầy vị thế xứng đáng của họ. Chưa bao giờ, vai trò, vị thế người thầy bị hạ thấp đến thế như trong cộng đồng xã hội hiện nay. Chưa bao giờ, nghề dạy học lại trở thành “nghề nguy hiểm” như bây giờ khi người thầy có thể bị tấn công ngay trong không gian học đường, từ học trò, phụ huynh tới đồng nghiệp, khi bị phụ huynh bắt qùy.

Người thầy bị học trò nhảy lên bục trùm chăn, cầm gậy đánh, bắn đạn giấy vào mắt... khi bị đồng nghiệp, rồi hiệu trưởng lạm dụng, khi bị tước bỏ bảng đen phấn trắng, buộc cầm chổi, cầm xô dọn vệ sinh trong trường.

 TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất chính là chất lượng nhà giáo, đưa tới một việc cần làm ngay, làm lâu dài, bền bỉ theo thời gian. Đó là đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn tốt nhất về nhân cách và trí tuệ, để có thể thực sự xứng đáng làm “thầy”.

Việc này liên quan trực tiếp tới đầu vào, đầu ra của những chiếc máy cái của ngành, hệ thống các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước.

Ngành giáo dục cần chấm dứt hoàn toàn hiện tượng 9 điểm ba môn vẫn vào sư phạm, không vì tình trạng thiếu giáo viên mà chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn nhà giáo, kiên quyết không tuyển và không công nhận tốt nghiệp với những học sinh và sinh viên không đạt chuẩn vào và ra.

Một vấn đề ngay lập tức đặt ra, nếu nâng chuẩn cho đúng chữ “thầy”, sẽ thiếu thầy. Vấn đề này riêng ngành giáo dục không thể làm nổi, bởi sự liên quan thu nhập giáo viên, tới bảo hiểm xã hội, tới ngân sách…

Viễn cảnh sau khi tốt nghiệp như xin việc khó khăn, lương thấp, cách ứng xử của xã hội với người thầy nhiều khi thiếu sự trọng thị. Đó là những lý do khiến nhiều học sinh giỏi, yêu nghề giáo lại không chọn ngành sư phạm.

Đó là vòng luẩn quẩn sẽ rất khó thoát ra khi nhiều học sinh chọn thi vào sư phạm không do năng lực và hứng thú, mà chỉ do sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí, giảm được gánh nặng về áp lực học phí trong 4 năm học đại học.

Với đầu ra gần như mặc định, xã hội sẽ đón nhận một đội ngũ thầy cô không đạt kỳ vọng, mong muốn của cộng đồng. Sau đó, khi làm nghề, gánh nặng áo cơm khiến không ít thầy cô bộc lộ nhân cách qua các phương cách mưu sinh khó tìm được sự tôn trọng của học sinh, phụ huynh và xã hội…

 Nghề giáo được đánh giá nhiều áp lực. Ảnh minh họa: L.Q.

Thứ hai, bên cạnh những hy vọng trước hướng đổi mới tích cực của giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chúng tôi vẫn còn đôi chút băn khoăn về chương trình, sách giáo khoa, nội dung và phương pháp dạy học, công tác kiểm tra đánh giá…

Dù tới nay đã thực hiện thay sách tới lớp 2 và lớp 6, các bộ sách khác chắc chắn đang đồng bộ xây dựng, mọi việc có lẽ đã an bài, nhưng tôi vẫn muốn nói ra những trăn trở về một vài điều, trong đó có những vấn đề đã từng nói nhiều lần.

Ví dụ trong bộ môn Ngữ văn, chương trình Ngữ văn phổ thông mới đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc. Cụ thể, Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

Nói hẹp thì “văn là người”, nói rộng hơn chương trình ngữ văn một quốc gia thường phản ánh khá chính xác gương mặt tinh thần, chiều sâu và đẳng cấp văn hoá của quốc gia đó.

Quan sát 6 tác phẩm bắt buộc trong Dự thảo chương trình Ngữ văn mới, có thể thấy nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, đặc trưng thể loại hình như chưa thật cân đối?

Khác một số đất nước hầu như không phải đối phó với những cuộc chiến tranh vệ quốc liên miên, người dân Việt Nam của chúng ta ít nhất phải làm ba việc: Lao động, sáng tạo xây dựng đất nước; chiến đấu bảo vệ đất nước; sống với nhau, yêu thương nhau, làm khổ nhau nữa... với đồng thời cả những phẩm chất và thói hư tật xấu trong tâm lý, tính cách.

Vậy nhưng trong số 6 tác phẩm bắt buộc thì ngoại trừ Truyện Kiều, 5 tác phẩm còn lại đều phản ánh tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt trong và sau những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Đọc chương trình, thấy tự hào về truyền thống nghìn năm bất khuất, mà vẫn không khỏi băn khoăn cả 5 tác phẩm đều mang cảm hứng sử thi, hướng về vận mệnh cộng đồng, ca ngợi những phẩm chất cộng đồng, phản ánh những nỗi đau và vẻ đẹp cộng đồng...

Vậy học sinh tìm đâu cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự, tìm đâu con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối khuất và những nỗi đau?

Không chỉ nội dung cảm hứng, thể loại cũng là vấn đề cần suy nghĩ khi 6 tác phẩm tập trung vào hai thể thơ và văn chính luận. Yếu tố thời đại cũng đặt ra khi ngoại trừ Tuyên ngôn độc lập năm 1945, còn tất cả đều thuộc văn học trung đại.

Đành rằng còn rất nhiều tác phẩm đưa vào chương trình tự chọn hoặc tự chọn bắt buộc, nhưng có nên chăng phác họa gương mặt tinh thần của dân tộc đầy đặn hơn ngay trong những nét khái lược nhất của các tác phẩm bắt buộc?

Ngữ văn và các phẩm chất, năng lực theo của học sinh

Một vấn đề nữa cần suy nghĩ, đó là mối tương quan giữa chương trình ngữ văn mới và mục tiêu hình thành các phẩm chất, năng lực theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Theo đó, các phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, các năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ... sẽ hình thành như thế nào nếu chương trình đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc chưa thể hiện tính đa diện, toàn vẹn về cả đặc trưng thể loại và nội dung cảm hứng.

Cụ thể, với tỷ lệ 5 trên 6 tác phẩm bắt buộc thể hiện cảm hứng yêu nước và khuynh hướng sử thi sâu đậm, học sinh sẽ chủ yếu được bồi dưỡng lòng yêu nước hơn là những phẩm chất còn lại.

Sự khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục sẽ càng đặt ra rõ hơn nếu giả thiết các nhóm tác giả viết sách giáo khoa lại lựa chọn những tác phẩm khác nhau để đưa vào chương trình cũng thiên về một hướng cảm hứng hoặc thể loại, hoặc giai đoạn văn học nào đó.

Bên cạnh vấn đề chương trình, sách giáo khoa, vấn đề về nội dung và phương pháp dạy học cũng đang ẩn chứa khả năng cực đoan ở nơi này, nơi khác khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.

Cụ thể nếu trước đây, nhà trường chủ yếu dạy nội dung kiến thức, chú trọng giáo dục phẩm chất thì bây giờ, sự nhấn mạnh thái quá về phương pháp, kỹ năng, hướng tới phát triển năng lực có thể sẽ dẫn tới sự thiên lệch trong các hoạt động của kĩ thuật dạy học, sa vào hình thức, phô diễn…

Cũng đặt ra vấn đề quan trọng nữa trong công tác kiểm tra đánh giá, lấy ví dụ trong các câu hỏi của môn Ngữ văn, nhiều học trò đã than thở: Đề yêu cầu chúng em trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về một nhân vật hay hiện tượng văn học, nhưng khi chấm, thầy cô lại lấy suy nghĩ/ cảm nhận của thầy cô làm tiêu chí cho đáp án. Và khi đề bài không lặp lại những tác phẩm đã học trong chương trình, việc đánh giá năng lực học trò còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của chính thầy cô.

Tác giả: TS Trịnh Thu Tuyết

Nguồn tin: zingnews.vn