Da bị mụn có phải do ăn đồ cay nóng?
- 14:38 13-04-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ThS.BS Phan Ngọc Huy - Khoa Thẩm mỹ da - BV Da Liễu TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Từ những thắc mắc trên của đọc giả, xin bác sĩ cho biết các nguyên nhân khiến da bị nổi mụn trứng cá?
Mụn trứng cá hình thành khi lỗ nang lông trên da bị bít tắc do chất bã nhờn tiết ra nhiều. Điều này thường xảy ra khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu tăng sản xuất một số hormone sinh dục làm cho các tuyến bã phình to và tiết ra nhiều chất bã nhờn. Vì vậy, thanh thiếu niên là lứa tuổi thường bị mụn trứng cá nhất. Ngoài ra, phụ nữ cũng thường nổi mụn vào những ngày trước khi hành kinh, trong thời gian mang thai hoặc mắc phải các rối loạn nội tiết như hội chứng buồng trứng đa nang do sự thay đổi các hormone trong cơ thể. Có 4 yếu tố chính được xem là nguyên nhân gây mụn trứng cá: Tăng sản xuất chất bã nhờn, tăng sừng hóa nang lông, hoạt động của vi khuẩn sinh mụn và quá trình viêm dưới da.
Khi da bị nổi mụn trứng cá, nên xử trí như thế nào, thưa bác sĩ?
Điều trị mụn trứng cá cần có sự kết hợp nhiều phương pháp. Trong đó phải kể đến cách chăm sóc da, chế độ sinh hoạt và các phương pháp điều trị mụn trứng cá bằng thuốc.
Hậu quả của việc tự điều trị mụn trứng cá với thuốc thoa không rõ loại |
- Chăm sóc da mụn: Rửa mặt và những vùng da có khuynh hướng bị mụn bằng những sản phẩm làm sạch nhờn, dịu nhẹ, không chứa cồn. Nên nhẹ nhàng rửa sạch da ngay sau khi tiết mồ hôi và giới hạn số lần rửa không quá 2 lần/ngày. Ưu tiên lựa chọn những sản phẩm không chứa dầu. Trên các sản phẩm này thường dán nhãn “không có chất dầu” (oil-free), “không gây mụn trứng cá” (nonacnegenic), “không sinh nhân mụn” (noncomedogenic), “không làm tắc lỗ nang lông” (wont clog pores).
- Chế độ sinh hoạt cho người bị mụn trứng cá: Bệnh nhân bị mụn trứng cá cần có chế độ sinh hoạt học tập, làm việc hợp lý và giảm thiểu stress, vì stress làm tuyến bã tăng tiết và đẩy mạnh quá trình viêm. Ngủ điều độ, hạn chế thức khuya. Tránh thức ăn ngọt, béo (như chè, bánh ngọt, xoài, sầu riêng, xôi nếp…) hoặc uống quá nhiều sữa. Thay vào đó hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống nhiều nước.
- Các phương pháp điều trị mụn trứng cá bằng thuốc:
Đối với các trường hợp mụn trứng cá nhẹ thì bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà bằng cách sử dụng các loại thuốc thoa chứa benzoyl peroxide hay salicylic acid. Ngay khi đã sạch mụn, vẫn cần tiếp tục điều trị để phòng ngừa mụn mới xuất hiện. Nếu mụn vẫn không đáp ứng với điều trị, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có biện pháp phù hợp hơn.
Đối với các trường hợp mụn trứng cá trung bình - nặng: Cần được điều trị tích cực và theo dõi sát bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Thông thường, cần điều trị kết hợp 2 hay nhiều phương pháp như laser và ánh sáng, thuốc thoa kê toa như retinoids thoa/uống, kháng sinh thoa/uống.
Sau thời gian điều trị tấn công làm cho mụn hết, bệnh nhân cần phải chuyển sang điều trị duy trì để tránh tái phát. Do vậy, người bệnh cần kiên nhẫn và tuân thủ điều trị. Không nên tự mua thuốc điều trị hoặc nghe người khác khuyên về một phương pháp hiệu quả nào đó, bởi một cách điều trị có thể tốt cho người này nhưng sẽ không phù hợp đối với người khác.
Bạn đọc thắc mắc “có thể vẫn ăn cay, nóng nhưng da vẫn có thể khỏe được không?”, xin bác sĩ cho lời khuyên?
Mối liên quan giữa thức ăn cay nóng và mụn trứng cá vẫn chưa thực sự rõ ràng và cần nhiều nghiên cứu hơn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ lượng thức ăn cay nóng quá nhiều cũng có thể làm ảnh hưởng xấu đến dạ dày, mất ngủ, nóng trong người. Vì vậy, lời khuyên trong trường hợp này là hãy sử dụng vừa phải và phù hợp các thức ăn cay nóng.
Các sai lầm khi điều trị và chăm sóc da bị mụn trứng cá? Bác sĩ có thể chia sẻ để thêm các thông tin khuyến cáo.
Nặn mụn không đúng kỹ thuật hay chọn loại mụn đăng viêm đỏ, mụn mủ nặng sẽ làm tăng nguy cơ bị sẹo mụn |
Chăm sóc và điều trị da mụn nếu được thực hiện đúng cách sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, một số quan điểm sai lầm trong chăm sóc và điều trị mụn trứng cá có thể để lại biến chứng như đỏ da kéo dài, sẹo rỗ nặng. Trong đó, quan niệm mụn không nên điều trị mà nên để tự khỏi làm tăng nguy cơ các biến chứng này. Mụn trứng cá được điều trị càng sớm và đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ mụn tiến triển thành nang, bọc và giảm khả năng để lại sẹo. Ngoài ra, các quan điểm sau cũng cần được lưu ý:
- Khi bị mụn thì không nên sử dụng dưỡng ẩm hay kem chống nắng: Đối với làn da mụn trứng cá, các sản phẩm không chứa dầu hay các chất có khả năng làm bít tắc nang lông thì vẫn nên được sử dụng để tạo môi trường thuận lợi nuôi dưỡng làn da và giảm tình trạng thâm sạm.
- Thói quen nặn mụn trứng cá: Nặn mụn không đúng kỹ thuật hay chọn loại mụn đang viêm đỏ, mụn mủ nặng sẽ làm tăng nguy cơ bị sẹo mụn. Trong một số trường hợp có thể gây nhiễm trùng da nặng hơn. Nặn lấy nhân mụn phù hợp với làn da mụn đầu đen, mụn ẩn để giúp nhanh chóng loại bỏ nhân mụn. Tuy nhiên, cần thực hiện nhẹ nhàng và đảm bảo vô trùng để hạn chế tình trạng nhiễm trùng da.
- Thiếu kiên trì trong điều trị: Thông thường, điều trị mụn trứng cá hiệu quả cần thời gian 6-8 tuần để thấy hiệu quả rõ ràng. Khi thay đổi liên tục các biện pháp rất dễ dẫn đến thất bại điều trị. Ngay cả khi đã đạt đáp ứng tốt, bệnh nhân cũng cần có chế độ điều trị duy trì phù hợp để tránh tái phát.
- Sử dụng các loại thuốc thoa không rõ nguồn gốc: Thông thường, các loại thuốc thoa này chứa các loại acid không rõ nồng độ và thành phần, có tính năng tái tạo da, bong tróc da và loại bỏ nhân mụn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc kích ứng, nhiễm trùng da, sạm da sau sử dụng các loại thuốc thoa này đã được ghi nhận . Vì vậy, bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc thoa này.
Tác giả: THU THƯƠNG (ghi)
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn