Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hành trình Vingroup trở thành khổng lồ còn ông Phạm Nhật Vượng từ "anh" bán mì tôm thành tỷ phú đô la

"Ông Vượng vẫn là người như tôi biết trước đây: Chuyên nghiệp, đầy năng lượng, không thích màu mè và ồn ào" - Cựu thị trưởng thành phố Kharkov.

 

Theo danh sách tỷ phú mới nhất được tạp chí Forbes công bố ngày 6/4 vừa qua, thế giới hiện có 2.755 tỷ phú. Việt Nam có 6 cái tên được nhắc đến. Trong đó, đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng.

Forbes ước tính tài sản của ông Vượng là 7,3 tỷ USD và xếp ông giàu thứ 344 trên thế giới. Đây là năm thứ 9 liên tiếp ông Vượng có tên trong top người giàu của Forbes. Năm ngoái, doanh nhân này xếp hạng 286 với tài sản 5,6 tỷ USD.

Từ anh bán mì tôm trở thành tỷ phú thế giới

Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, quê ở Hà Tĩnh, là Chủ tịch tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Trước khi trở thành doanh nhân nghìn tỷ như hôm nay, ông Vượng đã trải qua thời gian kinh doanh gian khó, thậm chí là phải phá sản, nợ hàng chục nghìn USD.

Năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng giành suất học bổng du học tại Học viện địa chất Moscow, chuyên ngành kinh tế và địa chất. Ông tốt nghiệp Đại học Địa chất Moscow tại Nga với bằng Cử nhân Kỹ thuật Kinh tế địa chất vào năm 1992.

Ngay từ khi còn đang học năm thứ 3 tại trường đại học ở Nga, ông Vượng đã bắt đầu công việc kinh doanh của mình bằng việc mở nhà hàng, bán áo gió. Tuy nhiên, lúc ấy chưa có kinh nghiệm nên việc kinh doanh của ông Vượng không thuận lợi và phải phá sản, thậm chí, khi rời Moscow đi xuống Kharkov ông vẫn phải "ôm" số tiền nợ lên đến 40.000 USD.

 

Giai đoạn những năm 1990, do khủng hoảng kinh tế tài chính, những kệ hàng trong siêu thị Kharkov trống không và người dân buộc phải mua nhiều loại sản phẩm bằng tem phiếu.

Tận dụng cơ hội, ông Vượng về Việt Nam mua một dây chuyền mì ăn liền hai vắt thô sơ, quay tay đưa sang Ukraine và bắt đầu sản xuất mì  ăn liền bán cho dân bản địa. Sản phẩm này nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân bản địa, đem lại nguồn thu lớn cho công ty ông Vượng.

Từ năm 2000, ông Vượng bắt đầu đầu tư về nước với việc mở 2 công ty bất động sản ở Việt Nam là Vinpearl năm 2000 và Vincom năm 2002.

Từ một người không ai biết đến tại Việt Nam, ông Vượng bỗng chốc nổi lên như cồn. Tháng 9/2007, 80 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Vincom (tiền thân của Vingroup) được Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh.

Cũng trong năm này, ông Vượng được xướng tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với tài sản 3.750 tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ 2 sau ông Đặng Thành Tâm (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc KBC).

Năm 2008 ông tiếp tục ở vị trí Á quân với tài sản lên đến 5.225 tỷ đồng. Sang năm 2009, dù số tài sản tăng lên mức 7.988 tỷ đồng nhưng ông Phạm Nhật Vượng chỉ đứng ở vị trí thứ 3 sau ông Đặng Thành Tâm và Đoàn Nguyên Đức.

Bắt đầu từ năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với khối tài sản lên đến 15.775 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự bất bại của doanh nhân gốc Hà Tĩnh này trên bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Năm 2013, ông Vượng trở thành tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam do tạp chí Forbes công bố, tài sản khi đó của ông đạt 1,5 tỷ USD, xếp thứ 974 trong danh sách.

Từ đó đến nay, dù có đôi lúc tài sản trồi sụt, mất danh hiệu người giàu nhất Việt Nam nhưng tại thời điểm này, ông Vượng tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thương trường. Tài sản của ông vẫn tiếp tục "phình to".

 

Từ Vincom đến Vingroup

Ngày 8/8/1993, Technocom ra đời nhằm quản lý hoạt động kinh doanh mì gói Mivina đang gây sốt tại Ukraine. Năm 1995, mì Mivina của doanh nghiệp này ra đời, làm mưa làm gió trên thị trường Ukraine.

Chỉ trong vòng một năm, doanh số cán mốc 1 triệu gói mì. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mì Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Cái tên Phạm Nhật Vượng được xứng danh "ông vua thức ăn chế biến" tại thị trường Ukraine.

Từ thành công tại Ukraine, ông Vượng mở rộng nhà máy, tiếp đó đưa thương hiệu Mivina tới hơn 30 quốc gia khác trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel... Ngoài sản phẩm đầu tiên là mì ăn liền, ông còn sản xuất khoai tây nghiền, thành lập nhà máy chuyên sản xuất gia vị, nhà máy chuyên đóng gói.

 

Năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng chuyển hướng đầu tư về Việt Nam. Ông sử dụng lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ukraine đầu tư bất động sản ở Việt Nam.

Năm 2007, 80 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Vincom đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) với giá khởi điểm là 125.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom thời đó cho rằng việc đưa cổ phiếu công ty niêm yết tại HoSE là "một bước tiến lớn trong lộ trình phát triển của Vincom". Trong năm 2007, Vincom đạt doanh thu 180 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 333 tỷ đồng.

Năm 2010, tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ đã chi 150 triệu USD để mua lại công ty Technocom của ông Vượng. Vào thời điểm bán, công ty Technocom đang có doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm. Từ đây, hoạt động kinh doanh ông Vượng bắt đầu sang trang mới, dốc toàn lực để phát triển tại Việt Nam.

Sau một thời gian triển khai sáp nhập Vinpearl vàoVincom theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 15/11/2011, từ ngày 12/4/2012, Vincom đã chính thức đổi tên thành Vingroup.

Vingroup là thương hiệu trung tâm; xoay quanh là những thương hiệu biểu trưng cho những lĩnh vực hoạt động mà Vingroup đã thành công và đang nỗ lực phát triển đó là: Vincom - BĐS cao cấp; Vinpearl - Du lịch; Vinmec - Y tế chất lượng cao, VinEco - Thực phẩm sạch, Vinschool - Giáo dục, VinFast - Ô tô và VinSmart - Điện thoại.

Trong năm 2012, Vingroup có tổng doanh thu đạt 7.904 tỷ đồng, tăng 242% so với tổng doanh thu năm 2011. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 1.847 tỷ đồng, tăng 72% so năm 2011. Về tài sản, tại ngày 31/12/2012, tổng giá trị tài sản của Vingroup đạt 55.818 tỷ đồng, tăng hơn 20.300 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Năm 2013 là 75.700 tỷ và 90.500 tỷ cho năm 2014.

 

Tính đến 1/12/2015, giá trị vốn hóa của Vingroup đạt khoảng 80.000 tỷ đồng và quỹ đất khoảng 7.500 ha. Con số này liên tục tăng qua các năm. Năm 2016, vốn hóa của Vingroup là 113.783 tỷ đồng. Năm 2017, Vingroup đạt 203.894 tỷ, và tăng thêm 49,2% trong năm 2018.

Năm 2019, Vinhomes, Vincom Retail và Vinpearl được vinh danh trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2019 do Brand Finance đánh giá. Trong đó, Vinhomes giữ vị trí thứ tư với giá trị đạt 1,3 tỷ USD. Vinpearl và Vincom Retail lần lượt xếp vị trí thứ 25 và 31.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 sau kiểm toán của VIC, doanh thu thuần ở mức 110.490 tỷ đồng, lãi ròng đạt 5.465 tỷ đồng. Tổng tài sản của VIC tại ngày 31/12/2020 gần 422,504 tỷ đồng, lãi sau thuế năm 2020 của VIC đạt gần 4.546 tỷ đồng. Tính tới hết năm 2020, Vingroup có gần 29.404 tỷ đồng tiền, tương đương tiền, tăng 59% so với đầu năm này và 4.516 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.

Vingroup hiện tại là nhà đầu tư phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, với quy mô gấp 10 lần công ty bất động sản kế tiếp trên sàn chứng khoán, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác, kể cả những công ty chưa niêm yết có số lượng dự án lớn như Novaland. Vingroup cũng là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu Châu Á với giá vốn hoá trên thị trường gần 16 tỷ USD.

Tác giả: Pha Lê

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị