Đề xuất thêm điều kiện kinh doanh xăng dầu
- 07:21 09-04-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Theo thống kê, đến cuối năm 2017, cơ quan chức năng đã triển khai dán tem niêm phong tại gần 15.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu với khoảng hơn 57.000 cột bơm xăng trên cả nước. Giải pháp này đã mang đến những kết quả tích cực: Sản lượng tiêu thụ của các trụ bơm xăng dầu được dán tem tăng khoảng 10% so với khi chưa niêm phong; số thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu tăng khoảng 8%. Đặc biệt, thông qua phương thức này, đã giúp kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu bán ra, từng bước ngăn chặn hành vi buôn lậu xăng dầu.
Mặc dù giải pháp dán tem đối với đồng hồ tổng là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và mang lại những hiệu quả nhất định, nhưng chỉ phù hợp trong bối cảnh các cơ sở kinh doanh xăng dầu (KDXD) chưa đầu tư hạ tầng công nghệ, chưa có phần mềm quản lý.
Thêm vào đó, giải pháp này còn mang tính thủ công, đòi hỏi phải bố trí nguồn nhân lực tham gia vào việc dán tem, chốt số liệu trên từng cột bơm, rà soát, đối chiếu số liệu theo định kỳ. Việc dán tem cũng mới chỉ quản lý được hoạt động bán lẻ xăng dầu tại các cây xăng, mà chưa quản lý được số lượng lớn xăng dầu mua bán thông qua hoạt động bán buôn và tổng thể đầu vào, đầu ra của các DN KDXD.
Để có giải pháp quản lý mặt hàng xăng dầu căn cơ, lâu dài dựa trên nền tảng công nghệ, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, trong đó có quy định DN KDXD phải lập hóa đơn theo từng lần bán hàng (kể cả bán lẻ tại các cây xăng) và chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với các khách hàng theo từng ngày về cơ quan thuế (CQT).
Quy định này giúp CQT có cơ sở xây dựng nền tảng dữ liệu đầy đủ, liên tục về cả hoạt động bán lẻ tại các cây xăng và hoạt động bán buôn. Từ đó, giúp CQT có thể đối chiếu với số liệu kê khai thuế của DN KDXD để phục vụ hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra, phân tích rủi ro và kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn; hạn chế hoạt động mua bán xăng dầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định, việc triển khai HĐĐT và chuyển dữ liệu HĐĐT về CQT áp dụng từ ngày 1/7/2022 (áp dụng cho mọi thành phần, đối tượng bao gồm cả DN KDXD).
Trước ngày 1/7/2022, người nộp thuế vẫn có thể sử dụng hóa đơn giấy và chưa phải chuyển dữ liệu HĐĐT đến CQT. Đồng nghĩa, giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động KDXD thông qua yêu cầu chuyển dữ liệu HDĐT về CQT chưa thể được triển khai ngay tại thời điểm này. Như vậy, hoạt động KDXD vẫn tiềm ẩn những rủi ro, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thất thu cho ngân sách nhà nước.
Từ thực tế đó cho thấy, cần có những biện pháp phù hợp, nhằm tăng cường giám sát, hạn chế gian lận đối với hoạt động KDXD. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, báo cáo Chính phủ giao yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83, trong đó, bổ sung quy định việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu với CQT là một trong những điều kiện để DN được phép KDXD.
Trong thời gian chưa triển khai đồng bộ việc áp dụng HDĐT đối với tất cả các DN KDXD trong toàn quốc, Bộ Tài chính chỉ đạo ngành thuế tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả giải pháp dán tem niêm phong đối với đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở KDXD trong năm 2021. Đồng thời, yêu cầu cục thuế các tỉnh, TP tăng cường công tác quản lý kê khai, chấp hành nghĩa vụ thuế của các DN KDXD; đẩy mạnh tuyên truyền, động viên khuyến khích các DN KDXD sớm triển khai áp dụng HĐĐT…
Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 về KDXD, Bộ Công Thương cho biết, có 24/25 ý kiến thống nhất thông qua dự thảo Nghị định, còn 1 ý kiến đề nghị chỉnh lý nội dung cho phép thương nhân KDXD được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% bởi nội dung này có thể lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng, tính pháp lý và lợi ích thực chất của việc mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài. Nhật Thu |
Tác giả: Tô Tô
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam