'Truy vết' người bán hàng online qua sàn thương mại điện tử, ngân hàng... để thu thuế
- 07:46 07-04-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thương mại điện tử hiện rất phát triển, cơ quan thuế đang tìm cách thu thuế hiệu quả hơn - Ảnh: N.PHƯỢNG |
Tại Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý, đại diện cơ quan thuế cho biết sẽ làm việc với sàn thương mại điện tử, ngân hàng... để quản lý thuế đối với đối tượng kinh doanh thương mại điện tử qua các sàn thương mại để đạt hiệu quả hơn.
Sàn thương mại điện tử sẽ nộp thuế thay
Bà Tạ Thị Phương Lan, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế), cho biết cơ quan thuế sẽ thay đổi cách quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh. Cụ thể, sẽ làm việc với các đầu mối từ tổ chức liên quan và dòng tiền chi trả.
Thông tin từ sàn thương mại điện tử sẽ là nguồn tin cậy để cơ quan thuế điều chỉnh doanh thu của người nộp thuế, từ đó thu thuế đúng và đủ hơn. Thực tế, doanh thu và tiền thuế của hộ, cá nhân kinh doanh hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đại diện của Tổng cục Thuế, trong dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay nếu nắm dòng tiền cho cá nhân và hộ kinh doanh. Như vậy, các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Sendo... hoặc các đơn vị giao nhận sẽ có trách nhiệm thông tin cho cơ quan thuế.
Còn với các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, cơ quan thuế địa phương khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính cá nhân kinh doanh online, từ đó tìm cách thu thuế.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế - cho rằng việc tiếp cận với các đầu mối khác để có thông tin thu thuế thương mại điện tử là hoàn toàn phù hợp, nhằm đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.
Ngoài các sàn thương mại điện tử, ông Đặng Ngọc Minh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các giao dịch kinh doanh thương mại điện tử nhằm chống thất thu thuế, cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với ngân hàng thương mại để nắm được dòng tiền.
Theo quy định, các cá nhân, tổ chức phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của mình. Nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế tìm ra dựa trên các "dấu vết" thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử.
Truy thu thuế hơn 500 triệu đồng người bán quần áo qua mạng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, TP.HCM - cho hay vừa qua nơi này đã thu thuế của một cá nhân kinh doanh quần áo qua mạng hơn 500 triệu đồng từ việc "truy vết" trên mạng, qua đó nắm được tên, số tài khoản và truy thông tin từ ngân hàng. Từ đó yêu cầu cá nhân này kê khai và nộp số thuế.
"Thời gian qua, cơ quan thuế đã truy thu bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều trường hợp cơ quan thuế xuống tận tổ dân phố để nắm bắt thông tin vì những nhà có kinh doanh online thì shipper thường xuyên ra vào nên tổ dân phố sẽ biết được. Sau đó, cơ quan thuế sẽ có cách để truy ra thông tin, thậm chí mua hàng để nắm được số tài khoản ngân hàng, từ đó yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản" - ông Dũng cho biết.
Theo quy định tại nghị định 126, từ ngày 5-12-2020 ngân hàng phải cung cấp tài khoản cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, các chi cục thuế cho biết muốn ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản, cơ quan thuế phải có số tài khoản cụ thể. Tuy nhiên, thực tế người kinh doanh online hiện nay có nhiều chiêu giấu doanh thu nhằm đối phó.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện giới kinh doanh dùng các chiêu như chia nhiều tài khoản nhận tiền, đổi nội dung chuyển khoản mua hàng. Thậm chí nhiều người không ghi cụ thể giá bán, không công khai tài khoản ngân hàng như trước.
Một người chuyên livestream bán hàng Mỹ đề nghị khách hàng khi chuyển khoản không ghi nội dung gồm các từ như "ck" hay "cọc" hay "mua hàng", "thanh toán"... mà nội dung chỉ đề tên Facebook là được, không nhắc đến từ hàng hóa gì. Có shop ưu tiên thu tiền mặt để "qua mặt" cơ quan thuế.
Thanh tra công ty giao nhận để nắm doanh thu
Cục Thuế TP.HCM cho hay đang thanh tra các công ty giao nhận để từ đó nắm được doanh thu, thông tin người bán hàng qua mạng, từ đó truy thu thuế. Lý do là hiện nay bán hàng qua mạng phổ biến theo hình thức ship COD, tức giao hàng nhận tiền qua bưu điện và các công ty giao nhận. Trường hợp người mua chuyển khoản thì qua các công ty giao nhận, cơ quan thuế cũng nắm được thông tin người bán hàng để xử lý truy thu.
Qua việc truy thu này cũng đánh động dư luận để các cá nhân tự giác nộp thuế.
Trước đó, cơ quan thuế từng đưa ra phương án tính thuế với người bán hàng trên mạng là nếu hàng hóa bán qua mạng có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ bị thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Với sản phẩm dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày cũng bị thu thuế.
Sẽ tách riêng doanh thu bán hàng online? Lãnh đạo Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho hay trước đây Cục Thuế TP.HCM có rà soát tài khoản ngân hàng và chuyển về Chi cục Thuế quận Bình Thạnh những trường hợp cá nhân sinh sống trên địa bàn có thu nhập từ Google, Facebook để truy thu. Đến nay mỗi năm chi cục thuế vẫn thu đều đặn từ nguồn này, như năm 2020 thu được hơn 1 tỉ. Tuy nhiên, với cá nhân kinh doanh qua mạng thì rất ít vì nhiều người chưa tự giác khai thuế, hoặc có kê khai cũng khai doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Một số chi cục thuế khác thì cho biết khi mời các hộ kinh doanh có bán hàng qua mạng lên kê khai thì các hộ đều nói doanh thu khoán thuế đã bao gồm luôn cả doanh thu bán hàng online rồi nên không chấp nhận kê khai thêm. Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 6-4, một đại diện Cục Thuế TP.HCM cho hay đã đề xuất Bộ Tài chính quy định cụ thể trong thông tư về quản lý hộ kinh doanh rằng sẽ tách riêng doanh thu kinh doanh online của hộ kinh doanh và yêu cầu các hộ này phải kê khai và nộp thuế. Còn doanh thu khoán chỉ tính trên phần doanh thu bán hàng truyền thống. |
Tác giả: ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ