Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mô hình trường tiểu học bán trú ở Nghệ An: Vừa triển khai, vừa chờ cơ chế

Tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học ở vùng cao không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mà còn giảm tình trạng quy mô trường lớp manh mún.

 Học sinh Trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Tuy nhiên, mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu được triển khai tự phát, linh hoạt của nhà trường. Có cơ chế công nhận trường tiểu học bán trú là mong muốn của nhiều huyện miền núi Nghệ An, qua đó nhân rộng mô hình hiệu quả, thiết thực này.

Nâng chất lượng giáo dục toàn diện

Trường Tiểu học Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức bán trú cho 70/426 học sinh. Cách đây 1 năm, nhà trường đã “thí điểm” cho học sinh lớp 4 – 5 về trường chính. Nhận thấy các em hòa nhập tốt, ổn định, năm học này, trường quyết định đưa cả học sinh lớp 1, 2, 3 về ở bán trú tại điểm trường thuận lợi, sau khi xóa 2 điểm lẻ là Phá Mật và Thăm Thẩm.

Thầy Vũ Đình Hùng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nói là tổ chức bán trú, nhưng cơ chế hoạt động vẫn là trường tiểu học bình thường. Trong khi sinh hoạt, ăn ngủ, học tập của học sinh lại như “nội trú”. Giáo viên phải làm việc gấp 2, 3 lần, ngoài dạy học còn kiêm nhiệm vụ cô nuôi, chăm sóc học sinh.

 

Qua hai năm tổ chức, học sinh ở các điểm trường lẻ đã làm quen với môi trường nội trú. Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất chưa bảo đảm. Đặc biệt, điểm trường ở bản Piêng Luống vẫn còn phòng học tạm. Học sinh đang phải học và ở trong phòng học tre nứa. Tuy nhiên, thầy Hiệu trưởng Vũ Đình Hùng khẳng định: Đưa học sinh về tổ chức bán trú, đã nâng cao chất lượng toàn diện từ kiến thức, kỹ năng sống, sức khỏe…

Là một trong những huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh, nhưng Kỳ Sơn (Nghệ An) đi đầu trong việc tổ chức và nhân rộng mô hình bán trú cho học sinh tiểu học. Trường Tiểu học Mường Ải từng có 5 điểm lẻ, nơi xa nhất cách trường 15 km. Không chỉ khó khăn do địa hình xa xôi, cách biệt, nơi đây thường xảy ra sạt lở, lũ quét vào mùa mưa. Vì vậy, trường là một trong 5 đơn vị đầu tiên của huyện Kỳ Sơn tổ chức bán trú cho học sinh với mục đích duy trì sỹ số và tăng cường hiệu quả dạy học cho trẻ dân tộc thiểu số. Đến nay, dù còn nhiều vất vả về chỗ ăn ở, sinh hoạt, nhưng chất lượng giáo dục nơi rẻo cao này có chuyển biến rõ rệt. Học sinh mạnh dạn, tự tin giao tiếp, và giảm hẳn tình trạng vắng, bỏ học.

 Thiếu thốn cơ sở vật chất, nhiều trường bố trí chỗ ngủ cho học sinh ở phòng học.

Chờ cơ chế

Vài năm gần đây, việc tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học được các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông triển khai, nhân rộng. Tuy nhiên, mô hình trường học bán trú tại Nghệ An hiện chỉ mới áp dụng với bậc THCS và THPT. Còn trường tiểu học lại chưa có cơ chế triển khai mô hình này. Việc tổ chức bán trú hiện chủ yếu dựa vào sự linh hoạt của từng trường và tự nguyện chăm nuôi trò của các thầy cô giáo.

Năm học 2020 – 2021, năm đầu tiên huyện Con Cuông (Nghệ An) triển khai thí điểm mô hình trường tiểu học bán trú tại 2 xã Cam Lâm và Đôn Phục. Tuy nhiên, tại Trường Tiểu học Đôn Phục, nhà trường mới tổ chức bán trú cho 51/113 em ở bản Hồng Thắng, Hồng Điện và Tổng Tiến. Hai phòng ở từ dãy nhà công vụ của giáo viên chuyển thành nơi ở cho học sinh nữ. Khu nhà đa chức năng thành nơi ăn, ở và sinh hoạt cho học sinh nam. Do cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng, nên số em còn lại bố mẹ phải đưa đón đi học mỗi ngày.

Thầy Bành Đức Hoài – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Về điểm trường chính, học sinh được học ngoại ngữ, thầy cô chăm sóc và phụ đạo kiến thức buổi tối. Tuy nhiên, khó khăn vẫn rất nhiều bởi toàn bộ kinh phí hoạt động, nhà trường đang phải “nợ” của các đơn vị. Trường được hỗ trợ ba nhân viên nấu ăn, phục vụ bán trú. Nhưng buổi tối, 4 giáo viên và lãnh đạo của trường tự nguyện ở lại trực và quản lý, bảo đảm an ninh an toàn bán trú .

Nghệ An hiện còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, riêng tiểu học có gần 500 điểm trường. Toàn tỉnh đang thiếu giáo viên tiểu học và mầm non trầm trọng, nhưng các trường miền núi, đặc biệt khó khăn vẫn được ưu tiên bố trí đủ. Dù vậy, với đặc thù địa hình rộng lớn, nhiều điểm lẻ, giáo viên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu dạy học. Bởi quy mô học sinh điểm lẻ manh mún, có nơi chỉ 4 – 5 em/lớp vẫn phải bố trí 1 giáo viên. Vì vậy, tình trạng dạy lớp ghép vẫn phổ biến. Đặc biệt, giáo viên tiếng Anh, Tin học thiếu rất nhiều, thậm chí có xã không có người dạy 2 môn này. Trong khi theo Chương trình GDPT 2018, từ lớp 3 trở lên, 2 môn Ngoại ngữ và Tin học là bắt buộc.

Trước hiệu quả của mô hình trường tiểu học bán trú, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng khuyến khích các địa phương xây dựng đề án và sẽ nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là dù có chủ trương nhưng trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020 chưa có mô hình này.

Vừa qua, đoàn công tác UBND tỉnh Nghệ An đi kiểm tra tại các huyện miền núi liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường lớp. Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Để thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc sáp nhập các điểm trường lẻ là cần thiết. Các huyện vùng cao cần phải rà soát chi tiết quy hoạch mạng lưới trường lớp căn cứ vào các cấp học cụ thể. Xác định trường nào có thể xây dựng mô hình bán trú, không duy trì bán trú ở điểm trường lẻ. Khi xây dựng trường bán trú phải có đủ chỗ ở, sinh hoạt cho học sinh. Việc rà soát các điểm xây dựng trường bán trú phải hoàn thành trước tháng 9/2021.

Các huyện cũng cần lập kế hoạch cụ thể từng bước quy hoạch lại mạng lưới trường lớp vừa phù hợp với thực tiễn địa phương, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Qua đó tạo căn cứ cho các sở, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư, ưu tiên xây dựng trong thời gian tới.

Toàn huyện có 42 trường tổ chức bán trú cho các em lớp 3 - 5. Trong đó, 11 trường được công nhận là trường tiểu học bán trú với chế độ hỗ trợ cho cả giáo viên, học sinh, cô nuôi. Ngoài ý nghĩa cho học sinh, tổ chức mô hình bán trú còn giúp giảm quy mô trường lớp manh mún và bố trí giáo viên dạy học hiệu quả, chất lượng. Sau 4 năm triển khai, toàn huyện giảm được 28 điểm trường lẻ, 200 lớp tiểu học, tương đương với giảm 270 giáo viên, giúp tiết kiệm ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm. - Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại