Nghệ An: Học viên, giáo viên lái xe “nháo nhào” vì bất ngờ tăng học phí đạo tạo
- 07:51 02-04-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặc dù, động thái này đã được các trung tâm đào tạo tạo lái xe nhóm họp từ những tháng đầu năm 2021để thống nhất bằng văn bản gửi lên các sở, ngành tỉnh Nghệ An nhưng lộ trình tăng học phí như vậy đã khiến học viên và giáo viên “nháo nhào” vì không kịp trở tay.
Học phí đồng loạt tăng 35%
Theo báo cáo về nội dung mức học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được đại diện 09 lãnh đạo trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn Nghệ An ký tên, đóng dấu gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính, GTVT, LĐTB&XH thì lộ trình điều chỉnh mức học phí sẽ áp dụng trong 02 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn I áp dụng từ ngày 01/4/2021 sẽ tăng 35% so với mức học phí hiện tại; giai đoạn II áp dụng từ ngày 01/4/2022 sẽ tăng 22% so với mức phí đã áp dụng từ ngày 01/4/2021.
Theo đó, tất cả các học viên đăng ký học lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn Nghệ An sẽ phải đóng mức học phí ở khung mới.
Đơn cử, ở các học viên học lái xe hạng B1 (ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng lượng tải thiết kế dưới 3.500kg không kinh doanh vận tải) sẽ phải đóng mức học phí 6.870.000 đồng (mức cũ là 5.090.000đồng) từ ngày 01/4/2021.
Lý giải của các trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, lộ trình áp dụng điều chỉnh mức tăng học phí như vậy là căn cứ theo Thông tư 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/5/2011 của liên Bộ Tài chính và GTVT.
Từ 01/4/2021, các trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ đều tăng mức học phí lên mức 35% khiến nhiều học viên và giáo viên không kịp trở tay |
Qua tìm hiểu tại khoản 4 Điều 2 Thông tư 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT quy định “Căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên do Bộ Giao thông vận tải ban hành và định mức về tiêu hao nhiên liệu do cơ sở đào tạo lái xe ban hành; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành;
Các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần báo cáo Bộ chủ quản hoặc cơ quan được ủy quyền (đối với cơ sở đào tạo lái xe trực thuộc các Bộ), báo cáo Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền (đối với cơ sở đào tạo lái xe thuộc địa phương, bao gồm cả các cơ sở ngoài công lập) để theo dõi. Các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí của đơn vị.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này; trường hợp cơ sở đào tạo ban hành mức thu và thực hiện thu học phí không đúng quy định, thực hiện xử lý theo quy định.
Giáo viên và học viên “không kịp trở tay”
Vấn đề xây dựng các khung học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ đã được quy định rất rõ tại Thông tư 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT và thay thế Thông tư số 26/2007/TT-BTC ngày 3 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu học phí, quản lý và sử dụng học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.
Tuy nhiên, động thái điều chỉnh mức tăng học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ lần này của các trung tâm trên địa bàn Nghệ An đã khiến không ít giáo viên lẫn học viên rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi trước đó, theo phản ánh của các giáo viên đào tạo thì hiện nay có hàng nghìn bộ hồ sơ của học viên đã tuyển sinh chưa sát hạch xong.
“Lộ trình điều chỉnh tăng học phí quá bất ngờ khiến chúng tôi gặp phải áp lực đối với những học viên đã đăng ký học từ trước. Nếu việc tăng học phí này có lộ trình dài hơi và thông báo rộng rãi từ trước đó, ít nhất phải trên 6 tháng thì cả học viên lẫn giáo viên không bị rơi vào thế bất ngờ.
Mới đầu năm 2021, lãnh đạo các trung tâm đã nhóm họp để thống nhất mức điều chỉnh tăng học phí đào tạo lái xe như vậy thì bây giờ, đối với những học viên mà đã đăng ký tuyển sinh đến nay chưa được thi sát hạch, chưa học xong khóa thì giáo viên chúng tôi giải thích như thế nào đây?” – một giáo viên đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn Nghệ An bức xúc.
Trong khi đó, theo khoản 1,2 Điều 3 của Thông tư 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT quy định “Đối với các hình thức đào tạo để cấp Giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 và các hình thức bổ túc chuyển hạng Giấy phép lái xe; người đi học nộp một lần ngay khi vào học.
Lộ trình điều chỉnh mức tăng học phí quá đột ngột cũng khiến nhiều hồ sơ đã được đăng ký trước đó rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nếu không được xử lý thấu tình, đạt lý |
Đối với các hình thức đào tạo để cấp Giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, người đi học nộp 50% học phí ngay khi vào học, 50% còn lại nộp tiếp trong thời gian học theo quy định của cơ sở đào tạo”.
Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Lê Tiến Lợi – giám đốc trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ số 1 Nghệ An cho biết: “Đối với những học viên trước đó nộp hồ sơ mới chỉ ký gửi tiền đặt cọc. Còn khi mô (khi nào) học thì mới tính”.
Khi phóng viên hỏi về số lượng học viên đăng ký trước đó khi chưa áp dụng mức điều chỉnh tăng học phí đào tạo từ ngày 01/4/2021 thì ông Lê Tiến Lợi trả lời là để hỏi kế toán đã.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: enternews.vn