Làm bạn với Nga và Iran, Trung Quốc có thể mất cả châu Âu và Trung Đông
- 13:06 30-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khó vẹn đôi đường
Việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Nga và Iran tưởng có thể thúc đẩy một mặt trận thống nhất khi các nước này đều đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây nhưng ngay trong bản thân các mối quan hệ này đã tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ký kết thỏa thuận. Ảnh: Washington Examiner |
Cuối tuần trước, Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược mang tính bước ngoặt với Iran. Thỏa thuận này sẽ chứng kiến hàng chục tỷ USD trong đầu tư và phát triển quân sự của Trung Quốc đổ vào Iran. Đổi lại, Tehran sẽ cung cấp cho Bắc Kinh dầu mỏ với giá ưu đãi. Trung khi Trung Quốc đánh giá rằng thỏa thuận này sẽ củng cố hòa bình của Iran và đem lại lợi ích kinh tế cho đôi bên thì thực tế lại rất khác.
Về mặt tài chính, thỏa thuận này đem lại lợi ích cho Iran nhiều hơn. Mối quan tâm của Trung Quốc không phải là đầu tư mà là ảnh hưởng chính trị. Bắc Kinh hiểu hiện tại nước này có một đòn bẩy mới để làm suy yếu hoặc ủng hộ có điều kiện các lợi ích của Washngton ở Trung Đông. Mỹ muốn gây sức ép để Iran quay lại Thỏa thuận hạt nhân và Trung Quốc đang chứng minh là nước này có tiếng nói để thuyết phục Iran làm điều này. Đổi lại, chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải dỡ bỏ một số hạn chế về thương mại với các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù tính toán kỹ lưỡng đến đâu, Trung Quốc cũng khó có thể làm "vẹn cả đôi đường" khi nỗ lực mở rộng ảnh hưởng về đối ngoại không hề đơn giản. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đều cảnh giác cao độ trước thỏa thuận mới giữa Trung Quốc và Iran. Coi Iran là một mối đe dọa và là một kẻ thù trên nhiều phương diện, các nước này sẽ không dễ để "lọt tai" những lời biện hộ hay những tuyên bố xoa dịu của Bắc Kinh, rằng thỏa thuận trên không ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh của họ.
Ngoài ra, đối mặt với sức ép đồng thời từ phía Mỹ khi Washington lo ngại về mối quan hệ ngày càng phát triển giữa các nước này với Trung Quốc, UAE và Saudi Arabia sẽ có những lý do riêng để giảm dần sự hợp tác với Bắc Kinh. Kịch bản này cũng có thể áp dụng với Israel, quốc gia vốn coi Iran là kẻ thù "không đội trời chung" và ngày càng nhận ra bản chất thực sự trước những đòn "tấn công quyến rũ" của Trung Quốc.
Đối với Liên minh châu Âu, trong khi tìm cách đưa Iran quay lại JCPOA thì khối này không hề muốn Tehran phát triển năng lực tên lửa đạn đạo vì điều đó có thể đe dọa đến một số thành phố châu Âu. EU cũng lo ngại rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ khiến Iran tăng cường các hoạt động làm mất ổn định ở Iraq và Lebanon. Nói một cách đơn giản, thỏa thuận của Trung Quốc với Iran đang làm suy yếu sự tín nhiệm của các đối tác quan trọng khác với nước này, đồng thời củng cố thêm những cảnh báo của Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thậm chí, ngay cả người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia của Iran cũng đã khẳng định, quan hệ đối tác giữa nước này với Trung Quốc chỉ là một phần trong chính sách đối ngoại "chống chịu chủ động" của Tehran.
Nằm ngoài dự tính
Trước lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga và Trung Quốc nhận thấy họ ngày càng có nhiều điểm chung để hợp tác với nhau về thương mại và an ninh. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng đem đến không ít rắc rối cho Trung Quốc.
Ngoài các cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc gia tăng, EU có một lý do khác để lo ngại. Trung Quốc bước vào châu Âu với tuyên bố tìm kiếm sự hợp tác cùng thắng. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng lặp lại nhận định này trong việc thuyết phục EU thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, hiện nay, khi Trung Quốc đang hợp tác với Nga và công khai ủng hộ các hoạt động an ninh của Tổng thống Putin, EU thấy rằng mình đã rơi vào thế khó. Việc Bắc Kinh ủng hộ Moscow - vốn bị Brussels coi là mối đe dọa chủ yếu với an ninh và chủ quyền châu Âu khiến EU nhận ra đây không phải minh chứng cho trật tự cùng thắng mà Trung Quốc từng đề cập.
Trung Quốc nghĩ rằng nước này đã có một "chiếc bánh" với trật tự của riêng mình và cứ thế thưởng thức nó. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ sớm nhận ra một thực tế rất khác từ chính những đối tác của mình./.
Tác giả: Kiều Anh
Nguồn tin: Báo VOV