Hành trình khúc khuỷu của Đình Đồng trong Góc khuất xứ Nghệ
- 13:31 29-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Câu chuyện của trong cuốn sách được mở đầu với một câu nói từ phía anh: “Đồng, mày đá bọn nó dạt ra biên cho tao nhé…”. “OK luôn, gặp Thái Lan là mong ước bao ngày của em mà”.
Mẩu đối thoại bên lề sân tập trước ngày trái bóng SEA Games 2009 lăn. Đồng chơi rất tốt, khiến cánh phải của đối thủ “tắt điện”.
Trước 2018 với U23 Việt Nam và kỳ tích Thường Châu mở ra triều đại để dần cân bằng cán cân quyền lực với đối thủ số 1 Đông Nam Á thì trận hòa 0-0 trước U23 Thái Lan cùng với thất bại 1-2 đau đớn ở hiệp phụ chung kết SEA Games 2003 giữa Mỹ Đình, có lẽ là 2 trận đấu sòng phẳng, đĩnh đạc nhất mà chúng ta có thể chơi sau bao năm với bao thất bại do bị phủ bởi cái bóng của người Thái.
Đình Đồng từng có thời gian khoác áo ĐTVN |
Trần Đình Đồng, như biệt danh bóng đá là Đồng “chó”, có thể coi là một lát cắt đặc trưng cho dân cầu thủ, cho bóng đá xứ Nghệ và cả cái chất của trai xứ Nghệ. Không phải tài năng hay ngôi sao, không vì nổi tiếng do… tai tiếng, những giai thoại hay phong cách chơi bóng đặc trưng Sông Lam, nhắc và nói về Đồng với một hành trình bóng đá khúc khuỷu đầy rẫy những ngã rẽ thất bại, thành công rồi đến tận bây giờ vẫn chơi bóng ở tuổi 35, cũng là một tấm gương cho các lứa sau với tư cách một người đàn ông trưởng thành, có nhiều thứ đúng là “rất Sông Lam”.
Cuốn sách tiếp tục câu chuyện của Đình Đồng: “Này, tao vẫn phải tìm một thằng đá cánh trái và có thể cánh phải, trung vệ khi cần…”. 3 tuần trước khi đi Lào, HLV Calisto vẫn nhíu mày đăm chiêu rồi hỏi trợ lý.
Hỏi lại ông thầy thêm về kiểu mẫu hậu vệ đang cần, trợ lý Phan Thanh Hùng mạnh dạn tiến cử cậu học trò ông “cưng” nhất: Đình Đồng. Lên sát ngày đá SEA Games, thế nhưng hậu vệ SLNA lấy được chỗ, đá chính luôn và giải đấu U23 Việt Nam thua oan nghiệt U23 Malaysia 0-1 trận chung kết đó mở ra một cánh cửa khác.
Thực ra, có một cánh cửa mở ra trước đó với cầu thủ trẻ nhưng tương lai gần như bị đóng lại ở tuổi 19, với án kỷ luật cùng 4 cầu thủ khác trong vụ tiêu cực Sara Thành Vinh – Than Quảng Ninh ở giải hạng Nhì 2006. Cơ hội bất ngờ đến, khi HLV Phan Thanh Hùng nhảy tàu vào Vinh xin mượn SLNA một vị trí để đá giải U21.
Đình Đồng được biết đến là mẫu hậu vệ máu lửa, không ngại va chạm |
Ông Hùng ngày đó quay về làm trẻ sau thất bại với SHB Đà Nẵng ở 3 vòng đầu V.League 2008. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi với điều kiện duy nhất “bỏ thói quen đá xấu, tiểu xảo và tập trung chuyên môn để phát triển nghề” đã trở thành bước ngoặt đầu tiên với cả 2 thầy trò.
U21 Đà Nẵng do ông Hùng dẫn dắt vô địch 2 năm liên tiếp, với “đứa trẻ hư” của SLNA là trụ cột trong vai trò trung vệ cùng cách chơi bóng đầu óc, kỹ thuật và “đầu có sỏi”. Đồng có bệ phòng với đảm bảo để lên U23 Việt Nam dự SEA Games 2009 rồi sau đó là đội tuyển Việt Nam thời thầy Tô, còn HLV Phan Thanh Hùng ra Hà Nội, đặt nền bóng cho sự hình thành của một thế lực mang tên Hà Nội…
Đá V.League, lên tuyển và thành công ở giai đoạn bóng đá Việt Nam “thời kim tiền”, Đồng như nhiều thế hệ cầu thủ SLNA “chơi không cần nghĩ”. Chuyện không có gì để nói như bao chuyện về sự đổ gãy sự nghiệp, cuộc đời ở quanh sân Vinh khác, nếu không có pha vào bóng khiến Anh Hùng gãy chân mùa 2014.
Án điểm với quyết định kỷ luật nặng từ VFF, cộng với búa rìu dư luận sau một vụ việc ầm ỹ tai tiếng cùng ác cảm về lối chơi “chém đinh chặt sắt” kiểu SLNA, Đồng gần như thả trôi bởi tâm lý tiêu cực, bất cần đời. Thế nhưng thật may và bằng cách nào đó, như việc HLV Hữu Thắng nhiều lần “dạy dỗ” và có lần phá cửa phòng tìm thấy một… khẩu súng, con đường đá bóng vẫn chưa khép lại với anh.
Rất nhiều câu chuyện đã được hé lộ trong cuốn sách "Góc khuất Bóng đá xứ Nghệ" |
Đủ mạnh mẽ, ý chí và cả cái duyên để quay lại, có một Đình Đồng khác và chơi tốt trong màu áo SLNA rồi bản hợp đồng đáng mơ ước với FLC . Những vấp ngã trở thành bài học cuộc đời, không có chỗ cho sai lầm nữa, khi Đồng may mắn gặp người bạn đời, có 2 thiên thần và một gia đình đầy ắp tiếng cười để phóng về nhà luôn sau mỗi buổi tập, thi đấu.
Được mời quay về lại SLNA, giờ vẫn chơi V.League ở tuổi 35 và có chút nền tảng để trách nhiệm với chính mình và gia đình trong tương lai hậu bóng đá, với Đồng thế là cái kết có hậu.
Chuyện của Đồng, chuyện của một cầu thủ Sông Lam khá điển hình, ở mảnh đất thời nào cũng sản sinh ra nhiều tài năng mà lại nhiều như nước sông Lam, nhưng đầy những khúc quanh với dòng chảy ngầm xiết.
Dòng sông Lam vẫn cứ chảy, như SLNA vẫn ở đó cùng một phần của lịch sử bóng đá Việt Nam, và rồi không ai biết “là trong, là đục…”.
Tác giả: Nhật Anh
Nguồn tin: bongda365.club