Bi kịch gia đình bởi chồng bỏ rơi vợ vì… con
- 08:18 26-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ khi có con, không khí gia đình Huy – Phượng thay đổi hẳn. Huy là trợ lý giám đốc một công ty xây dựng, bận bịu tối tăm mặt mũi, trước kia thường để vợ trẻ một mình ở nhà, một tuần chỉ ăn cơm cùng vợ được 3 buổi tối vì bận tiếp khách. Thế nhưng, giờ có cu Long, anh thường xuyên có mặt ở nhà lúc 6h tối, sà vào nựng cục cưng giống anh như đúc, rồi ăn cơm tối cùng gia đình thường xuyên. Những ngày đầu, khỏi phải nói, Phượng mừng đến thế nào. Không biết bao lần chị hạnh phúc thầm nhủ, con cái quả đúng là sợi dây kết nối tình cảm vợ chồng hữu hiệu.
Thế nhưng, dần dà, chị nhận ra, chồng chị dường như chỉ dành tình yêu và sự quan tâm cho con trai. Anh về sớm, nhưng thời gian dành hết cho chơi với con, ăn cơm xong anh cũng say sưa nói chuyện với con, mở những bản nhạc mà con hay chăm chú nghe. Có lần, anh còn ôm con trai đến khuya, rồi hai bố con cùng thiếp ngủ. Con trai có lẽ giờ đây là niềm say mê duy nhất của anh.
Chồng đi làm về là sang phòng con chơi, ngủ luôn cùng con, không ngó ngàng gì đến vợ. Ảnh minh họa |
Bỗng dưng, Phượng thấy lạc lõng. Con trai dĩ nhiên vẫn cần chị, nhưng chỉ là lúc cho bú hay ốm đau. Thời gian còn lại, dường như hai người đàn ông trong gia đình chỉ cần đến nhau. Chị cứ như một người thừa vậy. Anh dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, nhưng trong đó chẳng có chút khoảnh khắc nào dành cho chị. Chị chỉ là người cho con anh ăn sữa, nấu cơm và giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa cho anh mà thôi. "Chuyện ấy" giữa hai vợ chồng cũng cực kỳ hiếm hoi do hoặc anh bận việc cơ quan về muộn hoặc anh bận… chơi với con trai rồi ngủ cùng con luôn. Không ít lần, Phượng nằm ôm gối một mình mà nước mắt tuôn rơi vì thấy tủi thân.
Chuyện say mê con quá mức như Huy không phải là hiếm trong các ông bố bà mẹ trẻ ngày nay. Và với Phượng, dĩ nhiên sẽ nảy sinh tâm lý nghĩ rằng mình là người "đẻ thuê", mình là người thừa và chồng đã chán mình.
Trong những trường hợp này, các nhà khoa học cho rằng, đó chỉ là một giai đoạn tâm lý nhất thời. Nó xuất phát từ tâm lý chung do quá yêu con cái. Thường thì tâm lý này phổ biến ở người vợ, người mẹ. Nhiều người mẹ từ khi sinh con thì không còn cần sự quan tâm của chồng. Nhưng trường hợp ở những ông bố trẻ cũng không phải hiếm. Đặc biệt, khi đứa trẻ giống hệt mình như một bản sao, thì tâm lý đó càng có điều kiện bùng phát.
Người vợ tủi thân là chuyện dễ hiểu, nhưng dù sao cũng nên vui mừng, bởi niềm say mê của chồng mình dù sao cũng trút vào con cái, chứ không phải là những thú vui bên ngoài. Điều đó chứng tỏ, gia đình với chồng vẫn là hàng đầu. Và các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng, hầu hết những người đàn ông mắc phải chứng tâm lý này đều là những người hướng nội, biết quan tâm, chăm sóc gia đình.
Chính vì vậy, chị em nào mà đức ông chồng có những biểu hiện này, cũng nên bình tĩnh xử trí. Trước hết phải loại ngay ý nghĩ mình là người thừa. Ý nghĩ này sẽ khiến chị em có hành động thêm phần rụt rè, mặc cảm, làm cho sự xa cách vốn không có thật giữa bản thân với chồng con trở thành sự thật và ngày càng rõ rệt hơn. Cần phải xác định tâm lý, mình là người đã mang nặng đẻ đau, mình là người vun vén cho tổ ấm gia đình chứ không phải ai khác. Dù chồng có chăm chút và gần con đến mấy, vai trò của người mẹ vẫn không thể thiếu đối với trẻ nhỏ. Chính vì vậy, người vợ, người mẹ chưa bao giờ là người thừa trong gia đình.
Tác giả: Phương Lan
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội