Bộ Công Thương nói về giao dịch lan trăm tỷ: Chưa có cơ sở rõ ràng để định giá lan đột biến
- 13:04 24-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chia sẻ thông tin giả về hoạt động mua bán lan đột biến có thể bị xử phạt |
Thận trọng khi tham gia mua, bán lan đột biến
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết, nội dung phản ánh hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo của một số đối tượng, được hiểu là các bên tự mua đi bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao, để kích thích người sau mua (thường để đầu tư) với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế.
Ngoài ra, còn có một số các thông tin phản ánh đây có thể chỉ là các “chiêu trò đánh bóng tên tuổi” của các đối tượng nhưng thực tế không có giao dịch mua bán nào cả.
“Với các thông tin phản ánh trong thời gian vừa qua, Cục CT&BVNTD đánh giá hoạt động buôn bán lan đột biến không phải là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”- đại diện Cục CT&BVNTD khẳng định.
Lý giải về điều này, Cục CT&BVNTD cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Tuy nhiên, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo, các giao dịch mua bán lan đột biến hiện có giá trị rất lớn, trong khi việc định giá sản phẩm lan đột biến này lại chưa có cơ sở rõ ràng, các giao dịch cũng được thực hiện không rõ ràng, do đó người dân cần thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến này để tránh những thiệt hại lớn về tài chính.
Đăng tải tin giả về lan đột biến có thể bị xử phạt
Hoạt động buôn bán lan đột biến diễn ra sôi động tại các địa phương trong cả nước thời gian gần đây. Thông tin liên quan hoạt động này cũng tràn ngập mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.
Gần đây nhất, một nhóm người đã đăng tải trên Facebook hình ảnh hàng chục người tham gia buổi chuyển nhượng lan đột biến với giá hơn 31 tỉ đồng (ở địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk); trên bàn để sẵn các chậu hoa lan đột biến và một số tiền mặt. Nội dung đăng tải kèm hình ảnh này là: "Chúc mừng bạn Lăk giao dịch thành công".
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Võ Ngọc Tuyên - Bí thư Huyện uỷ Lắk (Đắk Lắk) - cho biết: "Huyện đã yêu cầu lực lượng Công an huyện theo dõi sát sao, nắm bắt hoạt động của nhóm người đăng tải thông tin phi vụ giao dịch lan đột biến với giá hơn 31 tỉ đồng trên mạng xã hội (Facebook). Nhóm người này có khả năng là công dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn".
Qua xác minh, nhóm người trên đăng tải thông tin vụ giao dịch lan đột biến với số tiền "khủng" như trên nhằm "câu like". Cũng theo lãnh đạo huyện Lắk, người dân ở huyện rất nghèo, thuộc diện có số hộ nghèo nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk thì lấy đâu ra tiền lớn như vậy để mua lan.
Đáng chú ý, trước Đắk Lắk, tại Nghệ An, Tuyên Quang, lực lượng chức năng cũng đã xử lý một số trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch mua bán lan đột biến giá trị hàng tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã xác định các thông tin này là không đúng sự thật.
Trong bối cảnh hoạt động mua bán, trao đổi lan đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, hành lang pháp lý cho hoạt động này cũng chưa rõ ràng thì những thông tin giả về các phi vụ làm ăn được đăng tải, chia sẻ hàng loạt trên mạng xã hội sẽ kích thích thêm sự nhiễu loạn trên thị trường, gây thêm nhiều rủi ro, thiệt hại cho người dân.
Nêu quan điểm về hoạt động này, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, hệ quả của việc đăng tin giả là rất lớn và cần phải được xử lý nghiêm minh.
Vị này cũng cho biết, từ ngày 15/4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” chính thức có hiệu lực, những hành vi lợi dụng mạng xã hội sẽ bị xử phạt nặng.
Cụ thể, Điều 101 quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Tại Khoản 1 Điều này quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Do đó, người dân cần thận trọng khi đăng tải, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Tác giả: Vân Hằng
Nguồn tin: anninhthudo.vn