Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Làng lụa truyền thống 600 năm tuổi hồi sinh và vươn ra thế giới

Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu giải thể, làng nghề tơ lụa truyền thống trứ danh xứ Quảng có nguy cơ mai một, thế nhưng với lòng yêu nghề và quyết tâm, truyền nhân đời thứ 18 của làng nghề đã tổ chức các lớp truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ để hứa hẹn một mai đây, ngành lụa tơ tằm truyền thống quê hương sẽ hưng thịnh trở lại.

 Bà Nguyễn Thị Diễm, công nhân tại Công ty TNHH Dệt Mã Châu. Ảnh: Thanh Chung

Hồi sinh làng nghề lụa 600 năm tuổi

Ông Trần Hữu Phương - truyền nhân đời thứ 18, thành lập Công ty TNHH Dệt Mã Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để giữ nghề của cha ông truyền lại và với niềm mong ước vươn ra thế giới. Ông Phương cho hay, khoảng 600 năm trước là thời điểm câu chuyện tình của Hoàng hậu Đoàn Quý Phi và Thần Tông Hoàng Đế (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) được kết thành. Khi cô thôn nữ hái dâu trở thành Hoàng hậu, bà chăm lo con dân và dạy cho khắp nơi nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Cũng từ đó, Duy Xuyên, Điện Bàn ngày càng phát triển thịnh vượng nghề truyền thống này.

Tuy nhiên, từ những năm 1990, tiếng thoi đưa của khung cửi ở làng lụa Mã Châu bắt đầu thưa dần, người trẻ bỏ xứ đi làm ăn xa, người già ở làng dần bỏ nghề bởi lụa làm ra không bán được, thị trường không ổn định và không cạnh tranh nổi với lụa Trung Quốc giá rẻ đang tràn ngập. Các hợp tác xã dần giải thể dẫn đến việc nuôi tằm, trồng dâu cũng dần lụi tàn. Năm 2017 thì Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu cũng giải thể, chỉ còn duy nhất Công ty TNHH Mã Châu của ông Phương duy trì.

Với những băn khoăn, trăn trở về nghề truyền thống ngày càng mai một, ông Phương chia sẻ ước nguyện với con gái Trần Thị Yến. Ngày Yến cầm trên tay tấm bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) và được một ngân hàng lớn ở thành phố tuyển dụng. Thấu hiểu nỗi khổ tâm và mơ ước cả cuộc đời của cha, Yến quyết định cùng song hành thực hiện giấc mơ “Bà chúa Tằm Tang” mà cha đang ấp ủ.

Yến kể lại: "Cách đây 5 năm, sau tốt nghiệp đại học và được ngân hàng tuyển dụng, mình rất vui. Nhưng trước ngày nhận công tác, 2 cha con đã tâm sự xoay quanh chủ đề lụa. Mỗi câu nói nặng trĩu của ba chất chứa những nổi lo âu khi chứng kiến cảnh làng nghề mà chính ba gắn bó cả cuộc đời và cha ông bao đời gầy dựng đang chết dần, chết mòn. Chính nỗi trăn trở ấy của ba đã thôi thúc mình phải làm một điều gì đó phục dựng lại làng nghề".

Sau nhiều tháng trời ròng rã theo chân ba cùng 7 vị "tiền bối" hiếm hoi trong Hợp tác xã còn níu giữ nghề dệt lụa để học hỏi kinh nghiệm cũng như nắm bắt được lụa Mã Châu có ưu và nhược điểm gì để từ đó khắc phục hoặc giải đáp cho mọi người. Nhưng sự thật phũ phàng khi hỏi người dân địa phương khác thì hầu như chẳng ai biết lụa Mã Châu. Bởi vì ba và các cô chú trong Hợp tác xã cũng ngày ngày miệt mài dệt hàng thô rồi phân phối cho những làng nghề từ Nam chí Bắc tiếp tục gia công, sản phẩm bán ra thị trường và không còn mang thương hiệu Mã Châu nữa. Sau khi tìm ra "nút thắt" bó buộc làng nghề phát triển, nữ cử nhân ngành quản trị kinh doanh đã thuyết phục cha quay lại sản xuất lụa tơ tằm thành phẩm.

 Ông Trần Hữu Phương, người thành lập Công ty TNHH Dệt Mã Châu. Ảnh: Thanh Chung

Phục dựng làng lụa truyền thống

Ngày ông Phương đồng thuận và sắm sửa 5 máy chuyên dệt hàng thô được nâng cấp chuyển hẳn sang phục vụ dệt thành phẩm, thêm các công đoạn như nấu trụi mềm, nhuộm, in hoa văn..., Yến đã cho ra đời những dải lụa đúng chất Mã Châu tạo tiếng vang thuở nào. Tuy nhiên, do không lường trước sự khốc liệt của thương trường, Yến đem một nửa lụa 100% tơ tằm, nửa còn lại là sự kết hợp giữa tơ tằm và cotton ra Hội An "chào hàng". Xem xong, một số chủ quầy lưu niệm lớn nhỏ ở phố cổ tấm tắc khen chất lượng tốt cùng mẫu mã bắt mắt. Thế nhưng với 115.000 đồng/m lụa tổng hợp và 380.000-480.000 đồng/m lụa 100% tơ tằm là mức giá quá "chát", nhất là đem so sánh với hàng nhập khẩu rẻ tiền từ Trung Quốc.

Yến quyết tâm cho thị trường hiểu sự khác biệt, dần dần giúp người tiêu dùng nhận ra giá trị của sản phẩm được dệt bằng sợi tự nhiên. Yến cũng đẩy mạnh quảng bá mặt hàng tơ lụa ở các diễn đàn mạng, đồng thời bày bán trực tiếp tại Hội An và Quảng Nam. Lượng khách tìm mua lụa Mã Châu ngày một đông. Lụa này cũng đã có mặt tại TP.HCM và Hà Nội, được nhiều người biết đến. Thậm chí, các nước ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu tìm đến lụa Mã Châu.

Ngoài ra, để phục dựng lại làng lụa Mã Châu, yếu tố con người là hết sức cần thiết. Do đó, Yến thôi thúc cha mình nhận và truyền nghề cho các học viên với mong muốn giữ nghề. Đồng thời, kêu gọi những người trong làng cùng làm lại những khung cửi, cùng khôi phục lại làng nghề trứ danh đất Quảng đang ngày càng mai một.

“Để kêu gọi những người từng sống bằng nghề này quay lại là hết sức khó khăn. Bởi họ từng gắn bó nhiều năm với nghề này nhưng không đủ trang trải cuộc sống nên mới bỏ nghề tổ tiền truyền lại mà tìm việc khác. Do đó, mình cần phải chứng minh là hiện tại và tương lai lụa truyền thống ngày một phát triển và đặc biệt là có thể nuôi gia đình họ thậm chí là làm giàu”, Yến chia sẻ. Và bước khẳng định ban đầu khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, khiến nền kinh tế cả nước bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ngành may mặc khi hàng trăm công nhân phải nghỉ việc, thì Công ty Lụa Mã Châu vẫn duy trì ổn định.

Theo Yến, kế hoạch của cha là làm sống lại làng lụa Mã Châu với tên gọi là “giấc mơ bà Chúa Tằm Tang” đang đến gần, khi mà du lịch đã trở thành mũi nhọn kinh tế của Quảng Nam, Hội An - Mỹ Sơn trở thành điểm đến cả thế giới. Nhận định được điều này, Yến cùng cha quyết định, trong năm 2021 nếu được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện, chấp thuận chủ trương thuê đất lâu dài thì sẽ bỏ ra ít nhất 6 tỉ đồng xây dựng một bảo tàng về làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, tái hiện toàn bộ quy trình sản xuất lụa để phục vụ phát triển du lịch kết hợp với bán các loại sản phẩm truyền thống.

“Cơ sở hạ tầng tuy không sánh được với những khu vực khác, chẳng hạn như làng lụa Hội An nhưng tôi có thể đảm bảo yếu tố độc đáo, mang phong cách riêng biệt. Cùng với đó, tái hiện bến đò tơ và đón du khách đi bằng đường sông nước ngay tại đó, trực tiếp thăm quan việc trồng dâu, nuôi tằm. Mặt khác, mở một showroom quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngay tại khối phố Châu Hiệp của thị trấn Nam Phước... Với mong ước phục dựng lại được làng nghề truyền thống 600 năm tuổi đang bị lãng quên trong nhiều năm qua”, Yến nói.

Ông Lê Thái Vũ - Giám đốc Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam cho biết, lụa Mã Châu nổi tiếng về chất lượng nhuộm bằng phương pháp thủ công nên rất mềm mượt. Lụa Mã Châu vẫn giữ được nét truyền thống và phục vụ cho thị trường du lịch. Tuy nhiên, để phát triển làng lụa hơn nữa cần phải hội nhập với các nước thế giới và tiếp cận các công nghệ tiên tiến, đặc biệt công nghệ hoàn thành sản phẩm cuối cùng.

Tác giả: THANH CHUNG

Nguồn tin: Báo Lao Động