"Liên minh ma quỷ" buôn bán hóa đơn điện tử trái phép hoạt động như thế nào?
- 06:06 19-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trung tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội thông tin, tháng 4-2020, qua công tác trinh sát trên không gian mạng thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đơn vị phát hiện nhiều trang mạng xã hội, Facebook, Zalo có đăng tải thông tin quảng cáo, giới thiệu về dịch vụ mua bán hóa đơn GTGT cho các doanh nghiệp để thực hiện kê khai thuế khấu trừ hàng hóa dịch vụ đầu vào.
Đặc biệt nổi lên là trang Facebook “Dịch Vụ Cung Cấp Hóa Đơn VAT, GTGT, VAT Điện tử”. Xác minh ban đầu, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác định đây là ổ nhóm đối tượng thực hiện in, phát hành, mua bán hóa đơn GTGT, trong đó cơ bản là hóa đơn điện tử với số lượng đặc biệt lớn có tính chất phức tạp, tổ chức tội phạm câu kết chặt chẽ, quy mô, do sử dụng mạng xã hội nên lượng hóa đơn khống bán ra khắp cả nước.
Đối tượng Nguyễn Nam Khánh |
Kiên trì trong thời gian 2 tháng, các trinh sát xác định người quản lý trang mạng đó chính là Nguyễn Nam Khánh (SN 1991) trú tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Khánh quản lý tài khoản trang Fanpage Facebook có tên “Dịch Vụ Cung Cấp Hóa Đơn VAT, GTGT, VAT Điện tử”, thực hiện quảng cáo, truyền thông để tiếp cận khách hàng. Khi khách hàng có nhu cầu liên hệ trực tiếp qua số điện thoại và Zalo để trao đổi thống nhất việc bán hóa đơn GTGT trên môi trường mạng. Khánh là người trực tiếp thỏa thuận với khách hàng, sau đó chuyển thông tin cho Lê Thị Hạnh (SN 1985) trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội để Hạnh trực tiếp viết, đóng dấu xuất hóa đơn.
Nguyễn Nam Khánh còn rủ cả vợ là Hoàng Lệ Quyên cùng tham gia quản lý tài khoản Zalo để quảng cáo, rao bán hóa đơn GTGT trên môi trường mạng; trực tiếp thỏa thuận với khách hàng sau đó chuyển thông tin cho Hạnh để Hạnh viết và tạo lập hóa đơn.
Đối tượng Ngô Thị Xuân |
Sau khi Hạnh viết hóa đơn hoặc thông qua Nguyễn Đình Vũ có hóa đơn điện tử, Hạnh sẽ bảo chồng là Lê Đức Quý vận chuyển đến cho Khánh, hoặc gửi e-mail cho Khánh và cung cấp cho khách hàng. Qua dấu vết thu được từ thư điện tử, cơ quan công an phát hiện số lượng lên tới gần 5 vạn tờ hóa đơn điện tử với tổng số tiền ghi khống lên tới hơn 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra còn hàng nghìn hóa đơn giấy khác đã phát hành, hiện chưa thu hồi, thống kê được.
Tài liệu thu thập được xác định Nguyễn Nam Khánh đóng vai trò tìm kiếm khách hàng mua hóa đơn GTGT. Khánh và đội ngũ cộng tác viên triệt để sử dụng các ứng dụng OTT như: Facebook, Zalo, Telegram, Viber để liên lạc, quảng cáo cho hoạt động mua bán hóa đơn GTGT. Khánh là trung tâm kết nối các đối tượng ở nhóm tìm kiếm khách hàng, sau đó đặt mua trực tiếp hóa đơn GTGT từ Lê Thị Hạnh.
Lời khai của Khánh thể hiện, Khánh có quen biết với đối tượng Lê Thị Hạnh và biết Hạnh có thực hiện việc buôn bán hóa đơn khống. Nguyễn Nam Khánh đã hướng dẫn, kết nối các đối tượng Trần Trung Kiên, Lê Hoàng Huy và tự mình thực hiện việc quảng cáo, mời gọi cung cấp dịch vụ hóa đơn khống.
Đối tượng Nguyễn Đình Vũ |
Khi có khách đặt hàng mua hóa đơn GTGT khống, Khánh sẽ gửi các thông tin cần thiết của bên mua hóa đơn cho Hạnh. Khi khách đồng ý với nội dung hóa đơn và chuyển tiền cho Khánh, Khánh tiếp tục chuyển số tiền cho Hạnh, sau khi trừ đi phần ăn chênh lệch.
Nhận được tiền, Hạnh có trách nhiệm hoàn thành các hóa đơn và chuyển trực tiếp số hóa đơn này đến khách hàng. Mạng lưới tìm kiếm khách hàng của Khánh có sự tham gia của Trần Trung Kiên và Lê Hoàng Huy, đóng vai trò là các cộng tác viên của Nguyễn Nam Khánh. Kiên và Huy được Khánh hướng dẫn cách thức chào bán hóa đơn trên các mạng xã hội và cho thông tin tài khoản Zalo của Lê Thị Hạnh để liên hệ. Đáng chú ý, các đối tượng này chưa từng gặp mặt Lê Thị Hạnh hay các đối tượng khác trong đường dây như Ngô Thị Xuân, Nguyễn Đình Vũ.
Tác giả: Trường Văn
Nguồn tin: anninhthudo.vn