Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


1 triệu giáo viên, 2.500 tỷ đồng và hiệu quả chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Nhiều người mong mỏi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên bởi họ cho rằng học phí khá cao so với lương nhận được, trong khi hiệu quả chuyên môn lại thấp.

Để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên tại nhiều địa phương phải bỏ số tiền từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được chia thành 3 phần, 11 chuyên đề tương đương với 240 tiết học. Thời gian học được quy định là 5 buổi học/tuần, hoàn thành trong vòng 6 tuần (1,5 tháng).

Tuy nhiên vì lý do dịch COVID-19, nên nhiều đơn vị đào tạo tổ chức giảng dạy thông qua hình thức trực tuyến từ 3-5 buổi. Nội dung 11 chuyên đề không có gì mới vì giáo viên đã được tập huấn định kỳ hoặc bồi dưỡng theo chương trình giáo dục phổ thông. Học phí cao nhưng hiệu quả chuyên môn thấp là lý do chính khiến giáo viên bức xúc và phản đối loại chứng chỉ này.

 (Ảnh minh họa)

Theo một chuyên gia giáo dục, số tiền giáo viên phải bỏ ra học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không nhỏ trong khi hiệu quả chuyên môn chưa tương xứng. Vị chuyên gia băn khoăn, hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên, một giáo viên học một chứng chỉ với số tiền khoảng 2,5 triệu đồng thì con số sẽ là hơn 3.200 tỷ đồng. Đây quả thực là con số vô cùng lớn. Chưa kể giáo viên tối thiểu cần ít nhất 2 chứng chỉ (thăng hạng và giữ hạng).

“Không chỉ có giáo viên đang trong cơn sốt chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mà các đơn vị đào tạo cũng đang chạy đua tổ chức chiêu sinh khắp cả nước. Mỗi đơn vị đưa ra mức học phí khác nhau, trung bình từ 2,5-3 triệu đồng. Vì thế số tiền giáo viên phải bỏ ra để học loại chứng chỉ lên đến vài ngàn tỷ đồng.

Bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đồng nghĩa ngành giáo dục sẽ tiết kiệm được khoản tiền lớn. Ngoài ra chất lượng các lớp bồi dưỡng không tương xứng với số tiền học phí đang khiến giáo viên bức xúc", vị chuyên gia nói.

Cô giáo Trần Thị Hải (Diễn Châu, Nghệ An), phản ánh về những bất cập trong việc tổ chức dạy học, thu học phí lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên. Cụ thể mức học phí một số đơn vị đào tạo đang thu là 2,5 triệu đồng cho từ 5-8 buổi học trực tuyến, tương đương 300.000 đến 500.000 đồng/buổi học. So với mức thu nhập của một giáo viên tại vùng nông thôn thì mức học phí này tương đối cao và bằng nửa tháng lương của nhiều người.

“Chúng tôi cho rằng, mức học phí lớp bồi dưỡng chứng chỉ đang quá cao, tương đương vài trăm nghìn đồng cho một buổi học. Giáo viên sẽ không phản đối các lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp nếu học phí không cao và đem lại lợi ích chuyên môn cho người học. Tuy nhiên với những bất cập như hiện nay, chúng tôi mong Bộ GD&ĐT có những giải pháp nghiên cứu, điều chỉnh thông tư 01, 02, 03, 04", cô Hải nói.

 Tiền học phí không đưa về ngân sách nhà nước mà chảy thẳng đến các trường.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) từng được mời thỉnh giảng tại một số lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, cho biết quy định về loại chứng chỉ này không hẳn là không cần thiết. Nhưng trong quá trình giảng dạy, ông nhận ra nhiều nội dung trùng lặp và không thiết thực đối với giáo viên.

Quy định bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là do Bộ Nội vụ ban hành chung đối với tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục. Chính vì thế, Bộ Nội vụ có thể xem xét lại quy định nêu trên nếu việc mở lớp bồi dưỡng nặng tính hình thức, đối phó như hiện nay.

Tác giả: Vũ Ninh

Nguồn tin: vtc.vn