Những điều còn 'nợ' nhân dân
- 09:27 16-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: LH |
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hoạt động lập pháp đã khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế. Trong số 72 luật, hai pháp lệnh và nhiều nghị quyết đã được thông qua, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, tạo điều kiện để tăng số lượng đại biểu được chất vấn, tranh luận.
Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội. Kết quả lấy phiếu không chỉ là “thước đo” hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, mà còn là nguồn động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục phát huy, cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao phấn đấu khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV “thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” mà Đảng, cử tri và nhân dân giao phó. Chia sẻ về vai trò của một đại biểu Quốc hội, ông Giàu nhận thấy “vẫn còn nợ nhân dân”. Theo ông Giàu, cái nợ lớn nhất là với nông nghiệp, nông thôn khi tình trạng “được mùa, mất giá” thường diễn ra. Ông cũng thấy còn “nợ” người dân Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt người dân An Giang, nơi ông ứng cử. Ông băn khoăn về cơ sở hạ tầng giao thông ở đây còn tụt hậu, quá tải.
Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý đánh giá, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV “rất thành công”. Chia sẻ về góc nhìn cá nhân, ông Tuý trăn trở ba điều, trong đó có vấn đề rác thải, an ninh nguồn nước, đặc biệt là tăng trưởng GDP. Theo ông Túy, lĩnh vực FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng, nhưng không thực chất vì không bắt nguồn từ sản xuất trong nước. Mặt khác, khối FDI cũng chưa liên kết với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ hạn chế, càng tạo sự chênh lệch phát triển. Vì vậy, trong tương lai cần phát triển công nghệ nguồn, công nghệ chế tạo để tạo ra sự phát triển bền vững.
Tính dân chủ được phát huy
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, một trong những điều nổi bật của Quốc hội khoá XIV là quyết định những quyết sách rất lớn, hợp lòng dân. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quốc gia, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay việc dừng xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận… “Nếu không dựa vào dân, lấy dân làm trung tâm, lấy dân làm gốc thì hoạt động của Quốc hội không thể mang đến hiệu quả, không thể tạo được niềm tin và vị thế, uy tín đối với nhân dân như thời gian qua”, ông Lưu nhìn nhận.
Đồng tình với đánh giá của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, Quốc hội khoá XIV là một nhiệm kỳ “thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã trải qua 11 kỳ họp, hằng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp. Thậm chí có những lúc còn phải họp đột xuất để giải quyết những vấn đề đột xuất của đất nước hay là những yêu cầu của Chính phủ để đảm bảo điều hành của nhà nước không bị ách tắc. “Một nhiệm kỳ tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ, dân chủ trong kỷ cương theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Quốc hội mở rộng dân chủ từ thảo luận sang tranh luận”, bà Ngân nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề phản biện của đại biểu, các cơ quan Quốc hội với những ý kiến, phân tích rất sâu sắc, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. “Đó là hơi thở cuộc sống mà chúng ta bắt gặp trong những lần tiếp xúc cử tri, trong hoạt động thường xuyên của các cơ quan Quốc hội”, bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng, mục đích, yêu cầu của cơ quan dân cử là phải gắn với dân, nói tiếng nói của dân, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Đảng thể chế hóa thành những quy định của luật pháp.
Theo bà Ngân, điều đó góp phần nâng cao vị thế, quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Những thành tựu, dấu ấn trong nhiệm kỳ qua cần đánh giá sâu sắc để rút ra bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa XV. “Đất nước phát triển được như hôm nay trong đó có sự đóng góp rất lớn của hoạt động dân cử nói chung và của Quốc hội khóa XIV. Quốc hội khóa sau làm tốt hơn khóa trước, đó là quy luật, như vậy đất nước mới phát triển được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
30/3 Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước Sáng 15/3, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. Theo dự kiến, kỳ họp sẽ khai mạc ngày 24/3, bế mạc ngày 8/4. Trong đó, phần lớn thời gian kỳ họp để làm công tác nhân sự. Theo chương trình dự kiến, từ ngày 30/3, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu kín miễn nhiệm và bầu mới các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước. Nghi thức tuyên thệ cũng thực hiện với các chức danh do Quốc hội bầu. Theo ông Phúc, chương trình kỳ họp dự kiến đã được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và được đa số nhất trí. T.N |
Tác giả: THÀNH NAM
Nguồn tin: Báo Tiền Phong