Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Tôi đi dạy gần 20 năm, giờ phải học chứng chỉ nghề nghiệp, có vô lý?'

“Tôi dạy học gần 20 năm, một số đồng nghiệp khác trên dưới 10 năm mà vẫn phải đi học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì thật vô lý”, một giáo viên chia sẻ.

Cô giáo Phan Tuyết (Bình Thuận), công tác trong ngành giáo dục gần 20 năm, vừa hoàn thành xong lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên. Lớp học này giảng dạy trong 8 buổi với mức học phí 2,5 triệu đồng/khóa. Thời gian mỗi buổi học khoảng 2 tiếng.

Nữ giáo viên đánh giá, những lớp bồi dưỡng như vậy không mang lại hiệu quả. Ngược lại còn khiến giáo viên tốn kém tiền bạc và mất thời gian.

 Giáo viên than khổ vì học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh họa: L.T)

Không chỉ cô Tuyến và nhiều đồng nghiệp của cô cũng đổ xô đi học các lớp bồi dưỡng trên. Từ đầu tháng 3, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận có công văn yêu cầu các phòng giáo dục rà soát, thống kê danh sách giáo viên có hoặc không có chứng chỉ này. Trùm thông tư 01, 02, 03 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 20/3 cũng quy định tiêu chuẩn năng lực, phẩm chất của giáo viên bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được chia thành 3 phần, 11 chuyên đề tương đương với 240 tiết học. Thời gian học được quy định là 5 buổi học/tuần, hoàn thành trong vòng 6 tuần (1,5 tháng).

Tuy nhiên thực tế các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh giáo viên rút xuống còn khoảng 5-8 buổi học trực tuyến. Ngoài ra, nội dung 11 chuyên đề không có gì mới, vì giáo viên đã được tập huấn định kỳ hoặc được bồi dưỡng theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chất lượng buổi học không hiệu quả lại tốn kém tiền bạc khiến cô Tuyết khá bức xúc. “Tôi đi dạy gần 20 nhưng bây giờ phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để hoàn thành hồ sơ, giấy tờ chứng minh mình là giáo viên. Điều này chẳng phải quá vô lý hay sao. Lương giáo viên 3 cọc, 3 đồng mà phải chi một số tiền lớn cho những buổi học không hiệu quả khiến nhiều đồng nghiệp rất bức xúc. Mong Bộ GD&ĐT có hướng điều chỉnh quy định cho hợp lý”, chị nói.

 Nguyện vọng của giáo viên là có thể bỏ quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Theo bà N.T.H, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội, quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang khiến nhiều thầy cô gặp khó và thực chất không mang lại hiệu quả nhiều về chuyên môn. Quy định này theo bà phù hợp hơn với vị trí quản lý, chứ không phải giáo viên chuyên môn. Bà mong Bộ GD&ĐT lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thầy cô để có những điều chỉnh hợp lý.

GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo viên vốn đã nghèo nay phải bỏ ra số tiền 2-3 triệu đồng để đi học một loại chứng chỉ nghề nghiệp mà không giúp nâng cao chuyên môn là điều bất cập.

Bản thân giáo viên muốn đứng lớp phải trải qua 4 năm học đại học. Hàng năm họ được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình của Sở, Bộ thì không có lý do gì không đủ điều kiện để đi dạy học.

"Tại sao lại bắt giáo viên phải đi học loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong khi họ đang là giáo viên? Như vậy có phải quá hình thức và thừa thãi hay không", GS Dong đặt câu hỏi.

Tác giả: VŨ NINH

Nguồn tin: vtc.vn