Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bị tố gian lận trong nghiên cứu, giáo sư Phan Thanh Sơn Nam nói gì?

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam - trưởng khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đang bị tố "gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cho nhiều bài báo khác nhau không liên quan".

 GS Phan Thanh Sơn Nam được vinh danh trong số nhà khoa học trong top 100 của Asian Scientist 2018 - Ảnh chụp màn hình

Giới nghiên cứu hàn lâm đang xôn xao việc mới đây trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đăng tải bài viết có nội dung tố GS.TS Phan Thanh Sơn Nam.

Bài viết là phiên bản ghi ngày 27-2-2021 (gian lận khoa học) với nội dung: "Phan Thanh Sơn Nam (sinh ngày 9 tháng 7 năm 1977, tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nhà hóa học tiêu biểu của Việt Nam nổi tiếng với những gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cho nhiều bài báo khác nhau không liên quan, hiện là giảng viên ngành hóa học Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Anh là nhà khoa học trẻ nhất được phong chức danh giáo sư tại Việt Nam vào năm 2014 do có nhiều công bố, trong đó có nhiều dấu hiệu ngụy tạo kết quả trắng trợn… Một trường hợp điển hình là Phan Thanh Sơn Nam đã công bố sử dụng ba loại xúc tác khác nhau có thành phần chung là đồng để tiến hành cùng một phản ứng. Kết quả là trong cả ba bài báo, tác giả cùng sử dụng một bộ phổ".

Đồng thời, trang này dẫn ra một loạt bài báo của nhóm nghiên cứu Phan Thanh Sơn Nam và cho biết gian lận về sử dụng cùng một kết quả phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau còn được tìm thấy trong các bài báo này từ năm 2014 đến 2020.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng nay 9-3, GS Phan Thanh Sơn Nam cho biết: "Có 4 bài (bài báo khoa học do nhóm nghiên cứu của GS Sơn Nam công bố - PV) bị nhầm, đang lặp lại thí nghiệm để đăng đính chính. Làm thực nghiệm mà nhiều người cùng làm thì thế nào cũng có sai sót đâu đó. Sai chỗ nào thì làm lại thí nghiệm để sửa thôi".

Chiều qua, trên Facebook cá nhân, GS Phan Thanh Sơn Nam cũng chia sẻ: "Một số bạn bè trong giới khoa học báo cho mình biết là trong một số công bố SCIE của nhóm mình, xảy ra tình trạng trong phần phụ lục (SI) của bài này, có một số phổ NMR giống với NMR trong SI của bài khác của chính nhóm mình.

Nhóm mình đã rà soát lại, đang đặt hóa chất để lặp lại thí nghiệm và phân tích NMR lại, và cũng đã email xin tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần SI của 4 bài báo.

Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần SI, là sai. Xưa nay mình vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm mình đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng…

Một lần nữa, thành thật xin lỗi mọi người. Lỗi của mình. Giờ thì nhóm mình phải lặp lại rất nhiều thí nghiệm vì những sai sót trước đây".

"Có quyền dùng lại kết quả"

Liên quan đến vụ việc này, một phó giáo sư chuyên ngành hóa, giảng viên một trường ĐH ở TP.HCM, nhận định: "Các nghiên cứu có tính kế thừa, nếu nghiên cứu thứ 2 lặp lại cũng hợp chất của nghiên cứu 1 thì mình có quyền dùng lại kết quả.

Tùy tạp chí họ yêu cầu phân tích lại hay không. Có tạp chí vẫn cho phép trích dẫn lại cái cũ, có tạp chí yêu cầu phân tích lại thì mình làm lại thôi. Việc GS Phan Thanh Sơn Nam phân tích lại và đính chính tạp chí là quá tốt, cho thấy trách nhiệm cao của người làm nghiên cứu".

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, trưởng khoa kỹ thuật hóa học, trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), là GS trẻ nhất được công nhận chức danh GS năm 2014 khi anh mới 37 tuổi.

Từ năm 2004 đến nay, GS Sơn Nam cùng nhóm nghiên cứu đã công bố được hơn hàng trăm bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI và các tạp chí trong nước.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là hai trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2018. Năm 2019, Phan Thanh Sơn Nam là thành viên của Hội đồng khoa học ngành hóa học Việt Nam.

Tác giả: TRẦN HUỲNH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ