Xuất khẩu thô đá hoa trắng tại Nghệ An (Kỳ 1): Lợi bất cập hại!
- 07:32 07-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vậy nhưng, có một thực tế là lâu nay, loại hàng hóa khoáng sản dạng thô như đá hoa trắng được khai thác lộ thiên, có nơi xuyên sâu vào các tầng địa chất. Vài năm trở lại đây nguồn khoáng sản đang dần cạn kiệt do việc “bán lúa non” ồ ạt với giá thành quá rẻ.
Hàng triệu m3 đá hoa trắng thô tập kết tại cảng Cửa Lò đề chờ lên tàu xuất đi các nước trên thế giới |
Xuất khẩu thô, thất thu ngân sách
Theo thống kê của Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương tỉnh Nghệ An), năm 2018, giá trị xuất khẩu khoáng sản đá của tỉnh Nghệ An đạt 72 triệu USD; năm 2019 đạt khoảng 71 triệu USD; năm 2020 đạt khoảng 84 triệu USD.
Nhìn từ số liệu này cho thấy, nguồn ngoại tệ mà địa phương này thu về từ việc xuất khẩu khoáng sản là đá đều theo điệp khúc “năm sau cao hơn cùng kỳ năm trước”. Vậy nhưng, loại mặt hàng này mà Nghệ An xuất đi chủ yếu từ nguồn đá hoa trắng thô (hay còn gọi đá hộc trắng) mà chưa phải là đá bột đã qua chế biến.
Chính vì vậy, giá trị kinh tế cũng như nguồn ngoại tệ thu về rất thấp. Bởi theo như số liệu của Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cung cấp, năm 2020 khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1,246 triệu tấn, thu được gần 24 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là gần 590 nghìn tấn thu lại 47 triệu USD. Tức là chỉ có khoảng hơn 32% đá trắng xuất khẩu đã qua tinh chế thành bột, còn lại tới gần 68% là đá hộc thô.
Nghĩa là, Nghệ An chủ yếu xuất đi số lượng lớn đá hộc trắng chứ hàng hóa chế biến dạng bột siêu mịn lại chiếm số lượng khiêm tốn. Mặc dù đá bột trắng siêu mịn số lượng xuất khẩu ít nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn hàng chục lần so với đá hộc trắng bán thẳng cho thương lái nước ngoài nhập về.
Cụ thể, giá trị thu lại từ 1 tấn đá trắng thô trung bình chỉ được khoảng trên dưới 20 USD trong khi của đá trắng xay siêu mịn tương đương khoảng 90 - 100 USD (chênh lệch tương đương khoảng 4 - 5 lần). Và, nếu như hơn 1,2 triệu tấn đá hộc trắng thô xuất đi trong năm 2020 vừa qua được các doanh nghiệp chế biến thành đá xay siêu mịn trước khi xuất khẩu thì nguồn thu sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng).
Một góc Cụm công nghiệp Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) - Nơi tập trung nhiều đơn vị chế biến đá trắng |
Khai thác vô tội vạ
Qua tìm hiểu, được biết hiện nay chủng loại khoáng sản là đá hoa trắng ở Việt Nam ngoài việc tập trung chủ yếu ở Nghệ An thì Yên Bái cũng có nguồn tài nguyên này. Đây là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, nhiều năm nay được xem như “vàng trắng” của huyện Quỳ Hợp, Nghệ An và huyện Lục Yên, Yên Bình tỉnh Yên Bái.
Riêng tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), đá trắng đã giúp cho hàng chục doanh nghiệp đổi đời, nhiều người trở thành tỷ phú chỉ trong thời gian ngắn sau khi khai thác, tận thu. Tuy vậy, do trữ lượng đá trắng ở đây lớn (hàng trăm triệu m3), được khai thác thủ công, công nghệ chế biến lạc hậu nên chủ yếu được bán “lúa non”, xuất thô là chính.
Do khai thác theo công nghệ đào, nổ mìn, xẻ khối nên nguồn tài nguyên đá trắng ở Quỳ Hợp được khai thác một cách vô tội vạ và đang có nguy cơ cạn kiệt. Cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này đã rơi vào hoàn cảnh phá sản do bị thương lái nước ngoài ép giá, phá giá… Hệ lụy từ việc bán đá trắng theo kiểu “lúa non”, chộp giật đã nhãn tiền xảy ra từ nhiều năm gần đây.
Lợi bất cập hại về khai thác, xuất khẩu thô đá hoa trắng đã rõ, các cơ quan chức năng Nghệ An cần tập trung “siết” chặt chính sách khai khoáng, hạn chế và tiến tới cấm xuất thô theo đúng tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp