Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thoát vòng luẩn quẩn ‘giải cứu’

Ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch là một trong những giải pháp quan trọng tạo giá trị gia tăng, để nông sản sớm thoát vòng luẩn quẩn “giải cứu”.

 

Được mùa, vẫn lao đao

Những ngày qua, điệp khúc giải cứu nông sản tiếp tục lặp lại ở một số địa phương và xem ra danh sách nông sản cần được giải cứu ngày càng tăng. Nếu như trước đây chỉ là thanh long, dưa hấu, chuối, thì giờ có thêm hàng chục loại rau củ quả, quýt, cam...Những ngày gần đây tại tỉnh Hà Giang, giải cứu cũng không kịp, hiện có khoảng 28.000 tấn cam sành không bán được, giá chỉ còn 3 nghìn đồng/kg. Do ế lâu, cam rụng đầy vườn nhiều hộ dân. Ngay cả người nông dân tại Hà Nội, đến kỳ thu hoạch song không bán được, nhiều tấn củ cải, cà chua bị nông dân ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh nhổ bỏ, vứt đầy đường. Nhìn nông sản trồng ra bị vứt bỏ thật xót xa, và khổ nhất vẫn là bà con nông dân.

Đánh giá về thực trạng trên, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản, nhưng tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, 14% đối với lúa gạo, 25 – 30% với chăn nuôi, rau củ quả…, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và tự phát.

Đáng chú ý, vấn đề bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng, song công nghệ ứng dụng sau thu hoạch còn yếu nên các sản phẩm chế biến tinh chưa được khai thác hiệu quả.

Mặt khác, người dân rất khó tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt nông sản. Do ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người dân không thể chuyển sang chế biến, bảo quản. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều loại nông sản được mùa, mất giá khiến người nông dân rơi vào cảnh lao đao.

Làm gì để tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản?

Trong thời điểm nông sản ở nhiều địa phương đang rơi vào cảnh bế tắc được mùa rớt giá, thậm chí để cho trâu bò ăn, hay vứt bỏ ngoài đồng vì bão hoà “giải cứu”, mới đây Bộ NNPTNT đã bàn về giải pháp nhằm ổn định đầu ra cho nông sản. Cụ thể, làm việc với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đặc biệt lưu ý, đơn vị này phải đóng một vai trò nhất định trong quá trình chuyển đổi này, nhất là tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp từ các khâu chế biến, bảo quản.

Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh: VIAEP cần sáng tạo, tập trung hơn vào công nghệ sau thu hoạch chứ không chỉ là cơ điện nông nghiệp. Đặc biệt, tư duy khoa học cần gắn liền với tư duy kinh tế.

Về nhu cầu mua công nghệ của các doanh nghiệp chế biến hiện nay, Thứ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, cần chia ra các khách hàng thành 2 nhóm, đối với các doanh nghiệp lớn cần tăng cường hợp tác để cùng đưa ra sản phẩm. Còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các HTX, VIAEP cần có chính sách riêng, tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nhóm đối tượng này để phát triển sản phẩm.

Nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ sau thu hoạch, vừa qua Bộ KHCN và Bộ NNPTNT kết hợp với cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc khai trương các điểm kết nối cung cầu nhằm cung cấp thông tin về công nghệ. Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết, đây là nguồn cung về công nghệ của Hàn Quốc và các nước trên thế giới cho các doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là điểm các doanh nghiệp có thể đến và kết nối với các chuyên gia về công nghệ ở các nước trên thế giới. Hy vọng điểm kết nối này ra đời sẽ hết sức hữu ích cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để tìm kiếm những công nghệ tiên tiến và phù hợp để giúp cho việc đổi mới công nghệ sau thu hoạch.

Nhìn nhận điệp khúc giải cứu nông sản lặp đi lặp lại nhiều hơn mỗi năm, nói như TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì chậm chuyển đổi, nông dân là người thua thiệt. “Cần tập trung vào những loại nông sản chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân, cân bằng được cung cầu về nông sản. Vai trò của Nhà nước với nông nghiệp không phải lo tăng cung mà lo tăng cầu tiêu thụ” - TS Đặng Kim Sơn phân tích.

Cho rằng thừa cung nông sản trong nông nghiệp suy cho cùng là biểu hiện của mô hình tăng trưởng còn bất cập, giải cứu nông sản chỉ là biểu hiện của thừa cung. TS Đặng Kinh Sơn gợi mở: Cần tập trung phát triển vùng nông nghiệp trọng điểm, hướng công nghiệp và dịch vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng tầm nông nghiệp, như vậy ngành nông nghiệp sẽ thay đổi.

Tác giả: Hải Nhi

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn kết