Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đổ xô học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại

Từng giáo viên phải học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra cho giáo viên phải xuất phát từ thực tiễn

 

 Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến câu chuyện giáo viên đổ xô đi học lấy chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo thông tư vừa được Bộ GD-ĐT ban hành (Tuổi Trẻ 27-2), bà Phạm Thị Minh Hiền - đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - cho biết:

Những ngày gần đây, tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản ảnh của giáo viên, nhóm giáo viên liên quan đến việc cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp, quy định tại nhóm thông tư mới được Bộ GD-ĐT ban hành. Các nhóm ý kiến được gửi cho tôi chủ yếu nêu những bất cập trong phân hạng giáo viên THCS được quy định ở thông tư 03. Tôi tìm đọc cũng thấy... hoang mang.

Đơn cử như việc quy định giáo viên THCS hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên; hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn giảng dạy; hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên. Thông tư số 03 của Bộ GD-ĐT lại quy định giáo viên THCS hạng I chưa đạt các tiêu chuẩn được bổ nhiệm vào giáo viên hạng II, sau khi đạt các tiêu chuẩn được bổ nhiệm giáo viên hạng I không phải qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.

Như vậy, kết quả kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên THCS (chưa có bằng thạc sĩ) từ hạng II lên hạng I do bộ tổ chức vào năm 2018 thật vô nghĩa. Bởi nếu theo quy định mới nhất, giáo viên hạng I hiện nay nếu chưa có bằng thạc sĩ sẽ "rớt hạng". Đây là một quy định gây tốn kém và lãng phí rất lớn, đồng thời phủ nhận luôn công sức tổ chức kỳ thi nâng hạng của chính Bộ GD-ĐT.

Đó là chưa kể quy định này chưa thấy cái lợi cho giáo viên nhưng đã thấy cơ hội làm lợi cho các nơi có chức năng đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ. Vấn đề ở đây là chương trình đào tạo, bồi dưỡng có đúng thực chất là nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn hay chỉ có giá trị trang bị chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành nhóm thông tư này, tôi nhận được rất nhiều phản ảnh của giáo viên, những người làm việc trong ngành giáo dục đối với chuyện chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với những luồng ý kiến khác nhau. Số người đồng tình thì ít, mà số người không đồng tình thì rất nhiều. Đây cũng chính là nhóm giáo viên chịu tác động trực tiếp từ các quy định bất cập nêu trên.

Có những luồng ý kiến xuất phát từ quyền lợi cá nhân, nhưng cũng có những nhóm ý kiến được chính các giáo viên phân tích rất xác đáng, vì cái chung. Nhiều người nói với tôi họ đã gửi kiến nghị đến Bộ GD-ĐT khi thông tư còn đang dự thảo. Tuy nhiên, các ý kiến đó đã không được ghi nhận. Đó là lý do vì sao khi thông tư vừa ban hành đã nhận nhiều phản ứng trái chiều của chính lực lượng giáo viên.

Do đó, tôi đang tiếp tục nghiên cứu, phân loại, tổng hợp các nhóm ý kiến để gửi kiến nghị đến Bộ GD-ĐT trong kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV sắp tới để bộ này nghiên cứu, xem xét. Chúng tôi dự kiến kiến nghị Bộ GD-ĐT theo hướng chung, bộ này cần phải phân tích chính sách để điều chỉnh hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn nữa.

Tôi nghĩ cá nhân từng giáo viên phải học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra cho giáo viên cũng phải xuất phát từ thực tiễn. Có những tiêu chuẩn không cần thiết thì không nên gây áp lực cho giáo viên, nhất là đối với những quy định nặng về bằng cấp, chú trọng bằng cấp mà lại bỏ qua năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên.

Một trường tạm dừng mở lớp chức danh nghề nghiệp

"Lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên của trường chúng tôi dự kiến học từ ngày 1-3 với hơn 40 giáo viên đăng ký. Tuy nhiên, mấy bữa nay đọc thông tin trên báo Tuổi Trẻ, tôi được biết giáo viên TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác rất bức xúc với quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, rằng nội dung lớp học không giúp ích gì cho các thầy cô giáo trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh...

Vì vậy, trường chúng tôi quyết định tạm dừng lớp học, chờ ý kiến chỉ đạo cụ thể của bộ, sở, phòng GD-ĐT về vấn đề này rồi tính tiếp. Riêng giáo viên có đề nghị bỏ quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vì gây lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức của giáo viên. Bản thân tôi cũng mong các cấp quản lý xem xét và sửa quy định về vấn đề này" - hiệu trưởng một trường THCS ở nội thành TP.HCM cho biết.

H.HG. ghi

Cục Nhà giáo: Thầy cô cần chờ hướng dẫn cụ thể

* Bộ GD-ĐT cho giáo viên chúng tôi biết rõ là có nên đi học lớp tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không khi những kiến thức này chúng tôi đã được biết, đã học và bồi dưỡng trước đây. Bên cạnh thời gian tham gia việc học thì số tiền 2,5 triệu đồng là không ít đối với giáo viên, nhất là những giáo viên khó khăn ở các vùng quê? (Một giáo viên)

- Đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT): Việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục (theo Luật viên chức). Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên là một trong những tiêu chuẩn để giáo viên thăng hạng và bổ nhiệm ở hạng tương ứng theo từng cấp học.

Cũng như công chức muốn nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính, hoặc chuyên viên cao cấp đều phải qua các lớp bồi dưỡng và phải có chứng chỉ mới đủ điều kiện dự thi hoặc xét nâng ngạch. Vì vậy, để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng theo quy định tại thông tư số 01, 02, 03, 04 thì giáo viên phải đạt các tiêu chuẩn của hạng bao gồm cả tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Ngoài ra, thời điểm giáo viên được chuyển từ ngạch giáo viên sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng được bổ nhiệm, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Như vậy đến thời điểm này, giáo viên đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng được bổ nhiệm.

Thầy, cô cần lưu ý đối với việc đi học các lớp liên quan đến bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại thông tư mới cần đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT để thực hiện.

Tác giả: VĨNH HÀ

Nguồn tin: tuoitre.vn